Công chức, nhân viên muốn kiếm thêm thu nhập ngoài công việc đi làm hàng ngày; người trẻ khởi nghiệp hay cơ sở, doanh nghiệp muốn mở rộng việc kinh doanh truyền thống… đều có thể nắm bắt cơ hội này.
Thói quen người dùng đang thay đổi
Dường như tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ hiện nay đều có thể được mua qua hình thức trực tuyến. Trong đó, thường xuyên nhất vẫn là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ công nghệ, điện tử, đồ dùng gia đình...
Từ khi con thứ 2 được gửi nhà trẻ, chị Linh, công tác tại UBND quận 3, như “vắt giò lên cổ” vì ngày nào cũng tất bật đua với thời gian để hoàn thành công việc ở cơ quan và nội trợ cho cả đại gia đình. Qua bạn bè gợi ý, chị tìm hiểu và sử dụng dịch vụ cung cấp gói thực phẩm sạch trực tuyến để tiết kiệm thời gian mỗi ngày. “Tôi chỉ cần đặt mua qua tin nhắn hoặc trên website, những thực phẩm sẽ được chuyển phát tới tận nhà vào mỗi buổi chiều. Thậm chí, tôi còn được hỗ trợ việc sơ chế, tư vấn cách chế biến các món ăn nếu cần. Tất cả mọi công đoạn chuẩn bị, sơ chế, chế biến một bữa cơm cho gia đình chỉ còn mất khoảng 30 phút khi sử dụng dịch vụ cung cấp gói thực phẩm sạch trực tuyến. So với lúc trước phải tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc hết giờ làm, chen chúc trong dòng xe cộ đông đúc để chạy qua chợ mua đồ thì nay tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian”, chị Linh cho biết.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh cũng tạo cơ hội lớn mở rộng kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho những bạn trẻ khởi nghiệp, cũng như nhân viên văn phòng, bà nội trợ tăng thu nhập. So với khoản thu nhập ít ỏi từ công việc hành chính, văn phòng, khoản lời từ việc kinh doanh hàng xách tay phụ kiện cho giới nữ của chị Thanh Tâm (ở quận 1) mang lại cũng rất đáng kể. Các loại giỏ xách, giày, mắt kính hàng hiệu được chị đưa lên “cửa hàng” online của mình thường được tiêu thụ nhanh bởi giá mềm và hàng có nguồn gốc đáng tin cậy. “Ba năm nay, tôi có nhiều mối ruột và tạo dựng được uy tín nhất định nên lượng khách rất ổn định. Nhờ đó, thu nhập cao hơn gấp 2 - 3 lần lương chính”, chị Tâm chia sẻ.
Xu hướng tất yếu
Tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng năm 2017” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia có chung nhận định, hiện đa số doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh từ truyền thống sang trực tuyến. Đây là xu hướng tất yếu, nếu doanh nghiệp không dịch chuyển kịp thời sẽ mất cơ hội trong thị trường rộng lớn và không biên giới này.
Theo nhận định của TS Nguyễn Trần Hưng, Đại học Thương mại, kênh mua sắm trực tuyến sẽ là lựa chọn đầu tiên của phần lớn người tiêu dùng, nhất là tại nước ta trong thời gian tới. Tại Việt Nam, sự phổ biến của các thiết bị như điện thoại di động thông minh, iPad, máy tính bảng… đã trở thành vật dụng cần thiết trong đời sống và công việc kinh doanh của phần lớn người dân. Đây sẽ là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp biết nắm bắt kịp xu thế chung của thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh trực tuyến được nhận thấy qua hàng loạt báo cáo của cơ quan có liên quan, cũng như trong công bố của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ thời gian vừa qua. Nhận định tại diễn đàn “Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017” tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng mức độ tăng trưởng thương mại điện tử có thể lên đến 30% - 50%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt đến 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng theo nhiều chuyên gia, một trong các vướng mắc là hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu bài bản và dự đoán về tiêu dùng trực tuyến để doanh nghiệp có thể chủ động định hướng, đón đầu cũng như vận dụng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Đây là thực tế cấp bách được đặt ra với nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả những cơ quan quản lý nhà nước cũng phải quan tâm.