Chính phủ trình QH kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010

Tăng trưởng nhanh, có chuyển biến về tính hiệu quả và bền vững

Tăng trưởng nhanh, có chuyển biến về tính hiệu quả và bền vững

Hôm nay, 16-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng trình báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010. Báo cáo khẳng định, mục tiêu tổng quát của giai đoạn này là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta khỏi tình trạng kém phát triển.

  • 6 giải pháp lớn cho giai đoạn 2006 - 2010

Tăng trưởng nhanh, có chuyển biến về tính hiệu quả và bền vững ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp lớn, mà trước hết là chính sách về đầu tư phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, các giải pháp về chính sách đầu tư đều hướng vào mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Trong đó, tập trung đầu tư công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất vật liệu, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, điện tử, tin học, công nghiệp phụ trợ…., chú trọng đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng trí thức trong sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thâm canh năng suất cao gắn với công nghệ chế biến cũng là một ưu tiên của Chính phủ.

Giải pháp lớn thứ hai được Chính phủ xác định là phát triển doanh nghiệp. “Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân đầu tư phát triển, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Xóa bỏ triệt để mọi hình thức phân biệt đối xử” – Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh. Về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ chủ trương giảm dần và tiến tới bãi bỏ các quy định phân biệt với doanh nghiệp trong nước, sớm áp dụng chính sách “1 giá” trong mọi lĩnh vực.

Về chính sách tài chính và ngân sách nhà nước, sẽ đổi mới cơ chế quản lý theo hướng nâng cao hiệu quả và tính công khai, minh bạch. Bố trí các nguồn lực tài chính quốc gia hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm. Duy trì nợ nước ngoài của quốc gia và nợ chính phủ ở mức hợp lý trong sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Liên quan đến lĩnh vực này, Chính phủ sẽ có một báo cáo chuyên đề về quản lý các nguồn vốn lớn.

Chính phủ cũng nhấn mạnh tới nhóm giải pháp về tiền tệ, giá cả và lạm phát. Trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam để giảm dần tình trạng đô la hóa.

Bên cạnh đó, giải pháp về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội xác định sớm thống nhất mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phát triển đa dạng các loại hình bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Nhóm giải pháp cuối cùng là xây dựng đồng bộ và hoàn thiện thể chế kinh tế. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, trong nhóm giải pháp này, thể chế về các loại thị trường, quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và doanh nghiệp, các chế tài đối với cán bộ, công chức được đưa lên hàng đầu.

  • Năm 2006: Khắc phục khó khăn, tạo thế “bàn đạp”

Năm 2006 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2006-2010 nên Chính phủ chủ trương tập trung quyết liệt mọi nguồn lực đạt tăng trưởng GDP 8% để làm “bàn đạp” cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ cho thấy, tăng GDP trong 4 tháng đầu năm 2006 mới đạt 7,2%. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn vì hạn hán, dịch bệnh; công nghiệp phát triển chưa ổn định; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chưa cao, bình quân mỗi tháng chỉ đạt 3,03 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch đề ra là trên 3,1 tỷ USD/tháng.

Để khắc phục khó khăn, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, mà trước mắt là bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất, thực hiện cấp bách các biện pháp về phòng dịch, phấn đấu để năm 2006 không tái phát dịch cúm gia cầm.

Đối với sản xuất công nghiệp, việc khắc phục tình trạng “biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp” được coi là một biện pháp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Những bất cập, hạn chế trong cơ chế kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu cũng sẽ được các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ.

Một điểm nhấn trong chỉ đạo điều hành năm 2006 của Chính phủ là thực hiện 2 đạo luật về tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác này. “Sẽ xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, tham nhũng, tiêu cực” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định.

BẢO MINH
 

Tin cùng chuyên mục