Khắc phục hậu quả mưa lũ ở phía Bắc

26 tỷ đồng giúp các tỉnh miền núi

26 tỷ đồng giúp các tỉnh miền núi

Ngày 14-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, Bộ Tài chính trích 26 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2006 để hỗ trợ cho một số tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ. Phân bổ cụ thể cho các tỉnh như sau: Tuyên Quang, Hà Giang và Lai Châu, mỗi tỉnh 5 tỷ đồng; Lào Cai, Yên Bái và Điện Biên, mỗi tỉnh 3 tỷ đồng; Lạng Sơn 2 tỷ đồng. Chủ tịch UBND các tỉnh trên chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng khoản kinh phí được hỗ trợ này đúng mục đích.

26 tỷ đồng giúp các tỉnh miền núi ảnh 1

Lực lượng vũ trang đưa dân xã Ea Bung huyện Ea Súp, Đắc Lắc tránh lũ.

Ngày 14-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương cùng với các bộ: NN- PTNT, Tài chính, LĐ-TBXH, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có cuộc họp bàn biện pháp chi tiền hỗ trợ cho các nạn nhân cơn bão số 1. Theo Bộ Tài chính, hiện nay các địa phương mới chi khoảng trên 20 tỷ đồng trong tổng số khoảng 64 tỷ đồng mà các đơn vị và cá nhân hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bão số 1.

Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng giải ngân khoản hỗ trợ, theo 3 hướng: Giúp đỡ trực tiếp cho các gia đình nạn nhân; Đào tạo việc làm cho ngư dân; Khôi phục sản xuất cho những ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương, mực nước cao nhất ngày 14-8, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,02m (trên báo động 1 là 0,02m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,42m (dưới báo động 1 là  0,08m)... Theo Ban Chỉ huy PCLB Trung ương, từ ngày 8 đến 12-8, mưa lớn kéo dài đã làm nước sông La Ngà dâng cao gây ngập úng 460ha lúa trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Theo Đài Khí tượng- Thủy văn Nam bộ, trong 2 ngày tới trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ có mưa rất lớn. Mực nước tại trạm Tà Lài sẽ lên mức 113,8m trong ngày 15-8 và duy trì ở mức cao đến cuối tuần.
 
Trong 2 ngày 13 và 14-8, mưa lớn kéo dài trên địa bàn thị xã Đông Hà (Quảng Trị) đã làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường, gây cản trở giao thông và sinh hoạt người dân…
t Mưa lũ ở Đắc Lắc trong ngày 14-8 tiếp tục diễn biến phức tạp, lũ lụt đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho các huyện Ea Súp, Chư Mgar và Lắc. Tính đến chiều 14-8, lũ lụt đã làm chết 1 người; gây ngập 1.278 ngôi nhà và 3.937 ha cây trồng các loại. Ở xã Ea Bung (huyện Ea Súp), từ 8 giờ sáng 13-8 đến 5 giờ sáng 14-8, Bộ đội Biên phòng đồn 739, Công an và dân quân xã đã đưa 45 cháu nhỏ, 15 cụ già cùng với 4 tấn lương thực, trên 100 con heo và nhiều tài sản có giá trị khác của 72 hộ dân đến nơi an toàn…
 
Trong hai ngày 13 và 14-8, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, có mưa lớn trên diện rộng, góp phần giải cứu hàng ngàn ha lúa hè thu, hoa màu khô hạn. Nông dân nhiều huyện ở Hà Tĩnh đang hy vọng một mùa gặt bội thu khi lúa đang vào thời kỳ chuẩn bị trổ đồng.

26 tỷ đồng giúp các tỉnh miền núi ảnh 2

Nông dân An Giang gặt lúa chạy lũ.

Trước tình hình lũ lên nhanh, Ban chỉ huy PCLB các tỉnh ĐBSCL khẩn trương đưa dân vào cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ. Tại Kiên Giang, 7 huyện, thị, thành phố đã dựng được khoảng 6.000 căn nhà cho bà con vùng lũ; trong đó đưa được khoảng 5.000 hộ vào sinh sống an toàn. Hiện tại, đang dựng thêm 2.000 căn để bố trí dân vào ở ngay trong tháng 9- 2006, trước khi lũ về. An Giang cũng đưa khoảng 20.000 hộ vào ở trong CTDC; Vĩnh Long đưa hơn 4.200 hộ vào sinh sống.

Hơn 2 tuần qua, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, biển động cấp 5 đến cấp 7 làm cho hoạt động của tàu thuyền từ Rạch Giá (Kiên Giang) ra quần đảo Nam Du bị đình trệ, làm cạn kiệt dần nguồn lương thực, thực phẩm và nhiên liệu cho 10.000 dân trên 2 xã đảo An Sơn và Nam Du. Trong khi đó, hoạt động chuyên chở hành khách từ đất liền ra đảo Phú Quốc bị gián đoạn hoàn toàn do thời tiết xấu. Ngành hàng không đã chủ động tăng chuyến bay Rạch Giá - Phú Quốc từ 1 lên 2 chuyến/ngày.

Trong khi đó, theo tin từ Cục Kiểm lâm, tính đến ngày 14-8, địa bàn tỉnh Phú Yên đã qua nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp độ V- cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống cháy rừng đã yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng trên địa bàn Phú Yên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục