Chuyện kỳ lạ ở Hạ Long (Quảng Ninh)

Nuôi ếch thành nuôi... nòng nọc!

VĂN PHÚC - QUỐC HUẤN
Nuôi ếch thành nuôi... nòng nọc!

Từ đầu tháng 5-2006, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) tỉnh Quảng Ninh đã giao chỉ tiêu cho UBND TP Hạ Long triển khai dự án nuôi thí điểm ếch Nam Mỹ để nhân rộng. Ban đầu, có 75.000 con giống với tổng vốn đầu tư 206 triệu đồng (chủ yếu là vốn do các hộ dân bỏ ra) được thả xuống ao. Ba chủ hộ đầu tiên được chọn để nuôi thí điểm là các ông Vũ Đức Hoạt (cựu chiến binh xã Việt Hưng); Hoàng Văn Châu (phường Hà Khánh) và Cao Ngọc Bộ (xã Đại Yên). Nhưng sau hơn 80 ngày, nòng nọc vẫn chỉ là nòng nọc!

Nòng nọc chết như ngả rạ

Nuôi ếch thành nuôi... nòng nọc! ảnh 1
Đã nuôi qua 80 ngày nhưng nòng nọc trong ao nhà ông Vũ Đức Hoạt vẫn chỉ là nòng nọc.

Trước khi triển khai dự án, các cán bộ của Phòng Kinh tế TP Hạ Long đã xuống gặp từng người giới thiệu: đây là loại ếch rất chóng lớn, chỉ sau 3 tháng là bán được, mỗi con có thể nặng tới 300-350 gram. Nếu nuôi trên 1 năm có thể đạt gần 2kg/con.

Mặt khác, trong quá trình nuôi thử nghiệm các hộ dân trên sẽ được TP ưu đãi hỗ trợ 60% tiền giống và thức ăn. Khi ếch lớn, nơi cung cấp giống sẽ lo luôn việc xuất khẩu.

Thấy bùi tai, ông Vũ Đức Hoạt cùng một nông dân tên Lê Chí Hùng vay nóng ngân hàng 30 triệu đồng để đào ao thả ếch.

Sau khi đến tận nơi kiểm tra và khẳng định cơ sở vật chất đã đảm bảo về kỹ thuật, ngày 12-6-2006, Phòng Kinh tế TP Hạ Long đưa họ về trung tâm cung ứng ếch giống Yên Mô (Ninh Bình) huấn luyện và mua con giống...

Ông Hoạt, anh Hùng cùng 2 chủ hộ còn lại giắt lưng 12 triệu đồng đi Ninh Bình. Nhưng, “lúc đầu tôi cứ tưởng sẽ được nhận giống ếch con. Đến nơi hóa ra chỉ là... nòng nọc” - anh Hùng bức xúc. Một cán bộ Phòng Kinh tế an ủi: “Chỉ 7-8 ngày là nó thành ếch thôi mà!”. Hơi thắc mắc nhưng vì chưa từng nuôi loài ếch này nên các nông dân đành phải chấp nhận. Ai cũng tin tưởng sự quan tâm và hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật.

Thế nhưng, mang về 2-3 ngày sau thì nhiều nòng nọc lăn ra chết. Trong số hơn 18.000 con nòng nọc của ông Hoạt, có tới 6.000 con chết. Đến thời điểm này, ông Hoạt khẳng định tổng số con giống chỉ còn khoảng 1.000 con. Trong hơn 1 tháng nay, nòng nọc không còn chết, nhưng theo ông Hoạt, điều kỳ lạ là đã nuôi gần 3 tháng mà toàn bộ số nòng nọc này chẳng chịu đứt đuôi để hóa thân thành ếch (!?)

Nòng nọc mà biết nói năng...

“Tôi đã hỏi cán bộ kỹ thuật về việc tại sao mấy con nòng nọc không đứt đuôi? Họ bảo “theo sách” thì phải đợi 40 ngày chúng mới thành ếch. Thế nhưng, đến nay đã hơn 80 ngày rồi mà nòng nọc vẫn chưa thành ếch?”, ông Hoạt kể lại. Trong số hơn 1.000 nòng nọc sống sót của ông Hoạt chỉ có... 17 con chịu đứt đuôi, ngoi lên bờ. “Nhưng 17 con ếch con này cũng lạ - ông Hoạt thổ lộ - Lúc còn là nòng nọc thì chúng giống nhau. Nhưng thành ếch rồi thì con mõm tù, con mõm nhọn, con màu xanh, con màu xám... Như vậy có phải là cùng một loại ếch Nam Mỹ không?”.

Ông Hoạt bắt đầu kiến nghị lên Phòng Kinh tế TP Hạ Long. Phòng vội mời giám đốc trung tâm ếch giống từ Ninh Bình về tận nơi xem xét... Giám đốc trung tâm bảo nòng nọc chết là do vận chuyển không đúng kỹ thuật. Còn nòng nọc chậm đứt đuôi là do nước ao không đủ tiêu chuẩn nhiệt độ(?). Riêng chuyện ếch mỗi con một hình mã khác nhau, họ không thể lý giải.

Bà con bấy giờ mới ngẩn cả người. Thực tế họ vẫn làm theo đúng như hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ. Vậy biết tin ai bây giờ? Ai là người đúng? Rồi cán bộ cũng bỏ đi, còn nông dân đứng thẫn thờ bên những ao nòng nọc không thể hóa thân thành ếch.

“Số tiền bỏ ra thuê nhân công đào, mua vật tư, con giống... mỗi gia đình cũng chỉ mất mấy chục triệu đồng. Nhưng điều quan trọng hơn là sự mất niềm tin ghê gớm của bà con chúng tôi với việc chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đưa giống cây, con mới vào ứng dụng trong thực tiễn để giúp nông dân xóa đói giảm nghèo hiện nay” - ông Cao Ngọc Bộ giãi bày.

Còn ông Hoàng Văn Châu thì đặt câu hỏi: “Tại sao những người có trách nhiệm trong dự án này lại thờ ơ, rũ bỏ trách nhiệm với chúng tôi?”.

VĂN PHÚC - QUỐC HUẤN

 

Tin cùng chuyên mục