Thông điệp mùa xuân

Thông điệp mùa xuân

Nền hội họa Việt Nam luôn tự hào với hai bộ tứ lẫy lừng: Trí (Nguyễn Gia Trí) - Vân (Tô Ngọc Vân) - Lân (Nguyễn Tường Lân) - Cẩn (Trần Văn Cẩn) của thập niên 40, 50 thế kỷ trước; Sáng (Nguyễn Sáng) - Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm) - Liên (Dương Bích Liên) - Phái (Bùi Xuân Phái) của thập niên 70, 80 sau đó. Bên cạnh đó còn có những tên tuổi lớn cũng không kém phần lung linh như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh…

Các danh họa, mỗi người một số phận, một tâm thế và cách thế dấn thân riêng, nhưng tựu trung, họ đều là những con người kiệt xuất về tài năng và nhân cách, đã góp phần làm cho bộ mặt nghệ thuật nước nhà thêm đa diện, đa sắc. Bài viết này chỉ đề cập đến một khía cạnh rất nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của một số danh họa: Mùa xuân!

Tác phẩm Vườn xuân Bắc - Trung - Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: T.L.

Tác phẩm Vườn xuân Bắc - Trung - Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: T.L.

Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Gia Trí, người có công rất lớn đưa sơn mài từ lĩnh vực trang trí sang lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Trong bối cảnh thế giới lúc bấy giờ chưa có công nghệ sơn mài, ta càng thấy rõ vai trò của Nguyễn Gia Trí lớn biết nhường nào! Ông đã sáng tạo nên những tác phẩm lộng lẫy vàng son: Bên đầm sen (1938); Chùa Thày (1939-1940); Bình phong khoai nước và cảnh (1940); Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944); Hai thiếu nữ (1944); Chiều hôm những ánh vàng (1944); Thiếu nữ bên hồ Hoàn Kiếm (1944)…

Đặc biệt, tác phẩm Vườn xuân Bắc - Trung - Nam (1939) trở thành đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí và đang được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Với Vườn xuân Bắc - Trung - Nam, Nguyễn Gia Trí đưa người xem đến với cảnh thần tiên ảo mộng, một vườn xuân mênh mông như thực như hư với những cảnh trí và thiếu nữ thướt tha trong vẻ đẹp liêu trai của sắc vàng rực rỡ, của sắc trắng trinh bạch, khơi gợi một mùa xuân ngập tràn trên sơn hà cẩm tú Việt Nam.

Không tạo ra một mùa xuân bất tận như bậc đàn anh Nguyễn Gia Trí, sinh thời, mỗi độ tết đến xuân về, Bùi Xuân Phái cũng vẽ rất nhiều bức “tiểu họa” để biếu bạn bè hoặc có ai tha thiết xin tranh làm kỷ niệm thì có cái mà cho. Vì gia cảnh lúc này của Bùi Xuân Phái eo hẹp, nên những bức tranh tết của ông thường chỉ bằng vỏ bao thuốc lá hoặc bao diêm, được vẽ đủ các loại chất liệu. Nhưng mùa xuân trong tranh ông mang một phong vị rất riêng: tươi vui, dí dỏm, yêu đời. Tranh Tết năm Ất Sửu là một thí dụ. Nổi bật trên nền tranh là một sắc đỏ chói lóa nhưng tuyệt nhiên không làm chói mắt người xem mà tràn đầy hơi xuân tươi trẻ, mê đắm đến nao lòng.

Có lẽ ở Việt Nam hiếm có họa sĩ nào vẽ tranh tết nhiều và đẹp như danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, khác với các đồng nghiệp chỉ hứng thú khi vẽ những con vật có hình thù đẹp như rồng, hổ, ngựa, gà… Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tất cả con vật trong 12 con giáp, con nào cũng được ông thêm bớt các chi tiết cực đắt để nâng lên thành hình tượng nghệ thuật hấp dẫn. Như bức Tranh Tết năm Mùi, với lối vẽ cách điệu quen thuộc, những đường nét thẳng, đơn giản, khúc triết và khỏe khoắn kết hợp với gam màu trầm, đặc biệt vú con dê mẹ được ông nhấn to, căng tròn trong khi dê con đang bú say sưa… Bức tranh thấm đẫm chất phồn thực, mang hiệu quả thẩm mỹ cao.

Mùa xuân, cả đất trời bừng thức, rạo rực, hăm hở bước vào vòng đầu tiên trong chu kỳ sinh - lão - bệnh - tử của vạn vật. Mùa xuân là đề tài không chỉ của hội họa mà của tất cả loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, cảm thụ nhãn quan bao giờ cũng nhạy bén và phong phú nhất. Các danh họa bậc thầy đã kỳ công quan sát, khái quát, cách điệu cái mùa xuân chúng ta đang tắm mình trong đó mà chưa cảm hết, để kết tinh thành những họa phẩm để đời. Chúng ta, những người may mắn được thưởng lãm, cám ơn các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… đã thả hồn ta vào mùa xuân của họ. 

TRỊNH CHU

Tin cùng chuyên mục