Bên cạnh bảo tàng mỹ thuật và các nhà triển lãm, không gian nghệ thuật, nhất là nghệ thuật mới hay nghệ thuật đương đại - luôn cần thiết cho một đô thị lớn như TPHCM. Thế nhưng, đến nay những không gian như thế thực sự rất hiếm hoi; hoàn toàn do tư nhân, nghệ sĩ tự thân vận động mà có.
Không gian FCAC và các sinh hoạt nghệ thuật tại đây
Thiếu hụt không gian nghệ thuật
Tại sao nói thiếu, trong khi đã và đang có các nhà triển lãm (92 Lê Thánh Tôn, quận 1), Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, quận 1), các phòng triển lãm, gallery... và vô số cuộc triển lãm, tọa đàm nghệ thuật, hội thảo, trại sáng tác, trình diễn nghệ thuật đương đại: Performance art, Video art, nghệ thuật sắp đặt - Installation, các dự án nghệ thuật thể nghiệm… đã diễn ra? Đó là do sự manh mún, tự phát và không chuyên nghiệp với rất nhiều rủi may, nghi ngại. Cụ thể là nhiều nơi đã đóng cửa, vài nơi đang ngắc ngoải (Không Gian Xanh, Sàn Art, Quỳnh Gallery...) sau một thời gian hoạt động ít chọn lọc và chủ yếu tập trung vào khách nước ngoài.
“Không gian nghệ thuật đương đại chuẩn mực cần được quy hoạch, thiết kế và xây dựng bởi các nhà kiến trúc chuyên nghiệp, am tường nhiều loại hình nghệ thuật với đầy đủ các tiêu chuẩn quy phạm, thông số kỹ thuật, công năng cụ thể... Ngoài ra, còn cần đầu tư nghiên cứu cho phù hợp với nét văn hóa riêng của vùng - miền, trên tiêu chí ý tưởng, thẩm mỹ, sáng tạo và chuyên nghiệp. Không thể lấy tạm công trình kiến trúc bất kỳ nào sửa chữa, cải tạo lại một cách tự phát, theo tư duy có chi dùng nấy. Nhiều năm qua, mặc dù thành phố đã có rất nhiều cuộc giao lưu văn hóa, nghệ thuật phạm vi quốc gia, quốc tế; thế nhưng thực tế, một không gian nghệ thuật đương đại thực sự vẫn là ước mơ của các nghệ sĩ trẻ và cộng đồng nghệ thuật nói chung”, họa sĩ, nhà giáo Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ.
Ở các nước luôn có quỹ dành riêng cho văn hóa, do các doanh nghiệp đóng góp (và họ được miễn giảm thuế…). “Không nói đâu xa, ở Malaysia, Bộ Du lịch nước này từ lâu đã xác định mỹ thuật là một kênh quan trọng trong phát triển du lịch”, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho biết. Còn họa sĩ Bùi Công Khánh chia sẻ: “Các hội chợ mỹ thuật được tổ chức thường xuyên tại các nước Đông Nam Á quy tụ nhiều nhà sưu tập, các gallery quốc tế kết hợp cùng những đợt du lịch trọng điểm trong năm, tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài nước tham dự nhằm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật, kích thích và mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sống và sáng tác - một giải pháp không khó thực hiện ở nước ta”.
Đáng buồn là ở TPHCM hiện nay, hệ thống bảo tàng, nhà triển lãm còn tồn tại nhiều bất cập, luôn không đủ kinh phí, ngân sách và nếu có cũng không đủ lực để trở thành nơi tổ chức, trưng bày, quảng bá và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật đương đại một cách chuyên nghiệp.
Những không gian mở
Vừa qua, Trung tâm Đào tạo và biểu diễn nghệ thuật đương đại ra đời ở quận Tân Bình, quy tụ các đạo diễn, biên đạo, dàn dựng, đào tạo... lĩnh vực nghệ thuật PC Crew - nhảy múa, khiêu vũ đương đại - và cũng chỉ chủ yếu tổ chức, đào tạo, biểu diễn PC Crew, còn vắng bóng các loại hình nghệ thuật khác.
The Factory Contemporary Art Center - FCAC (15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2) cũng vừa ra mắt, được công chúng yêu chuộng nghệ thuật đương đại trông chờ. FCAC chào sân bằng một triển lãm liên hoàn, ấn tượng, được chuẩn bị công phu, kéo dài suốt 6 tuần của các nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước như Ưu Đàm Trần Nguyễn, Trúc Anh, Lê Thanh Tùng, Cao Hoàng Long, Nguyễn Hồng Ngọc Nâu và Thierry Bernard-Gotteland. Triển lãm có tên chung TechNoPhobe - Những người bị ám ảnh bởi công nghệ. Các tác phẩm sử dụng công nghệ hiện đại như in 3D, kỹ thuật trình chiếu toàn ảnh (Video holograms) kết hợp hệ thống cảm ứng âm thanh, điện thoại thông minh, cảm ứng chuyển động, hoạt hình... hiện thực hóa ý tưởng “đa truyền thông, đa phương tiện” của các nghệ sĩ trẻ, kết hợp các buổi tọa đàm, các khóa học chuyên sâu về nghệ thuật đương đại miễn phí dành cho công chúng.
FCAC có không gian nghệ thuật mở, có thư viện lưu trữ sách nghệ thuật, có chỗ làm việc nhóm, nơi thưởng thức cà phê thảo luận về nghệ thuật... trong khuôn viên trên 1.000m² của nghệ sĩ Thủy Nguyễn, một họa sĩ và nhà thiết kế thời trang. Có thể nói đây là quần thể không gian nghệ thuật đương đại lớn nhất TPHCM hiện nay, đi vào hoạt động với dự án cụ thể, các chương trình nghệ thuật đương đại mới mẻ, trẻ trung.
Sự ra đời của trung tâm này phần nào giải tỏa được sự thiếu hụt không gian nghệ thuật mới dành cho khán giả và nghệ sĩ ở TPHCM. Nghệ sĩ Thủy Nguyễn cho biết, chị và các cộng sự sẽ tiếp tục xây dựng mô hình The Factory thứ hai tại Hà Nội trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong tình hình thực tế không chỉ TPHCM mà hầu như cả nước chưa có một sân chơi thực sự nào dành riêng cho nghệ thuật đương đại đa phương tiện thì những nỗ lực của nghệ sĩ Thủy Nguyễn và các cộng sự của chị rất đáng được ghi nhận và ủng hộ.
Họa sĩ Lê Kinh Tài cho biết, anh đang có một điểm đến dành riêng cho các nghệ sĩ thế hệ 9X sinh hoạt, trưng bày và chơi với các tác phẩm của mình mang tên BLANC (tại quận 3, TPHCM). Với dự án “Hai tuần một nghệ sĩ”, BLANC muốn giới thiệu những dấu ấn đầu tiên về nghệ thuật mới của cá nhân đến công chúng. Bạn trẻ 9X có thể gửi kèm tác phẩm (10 files có độ phân giải cao, file nén MP4 hoặc AVI, MPEG… với Video art, 3d Max với tác phẩm sắp đặt hoặc trình diễn)…về địa chỉ email: tnquynh253@gmail.com |
THẢO PHẠM