Thưởng thức cũng cần... kiến thức

Thẩm mỹ cộng đồng và thị hiếu khán giả vốn là câu chuyện còn nhiều trăn trở của nền nghệ thuật trong nước. Sản phẩm văn hóa muốn nâng và vươn tầm, trước hết cần khán giả ủng hộ, biết cảm thụ và thẳng tay với những sản phẩm “rác”…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vừa qua, Bộ GD-ĐT phê duyệt sách giáo khoa Mỹ thuật 10, gồm 10 quyển, thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, áp dụng ngay trong năm học 2022-2023, khiến nhiều người trong giới bày tỏ suy nghĩ. 10 quyển này gồm: Thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh, Hội họa, Thiết kế công nghiệp, Đồ họa (tranh in), Kiến trúc, Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Điêu khắc, Thiết kế thời trang, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật.

Câu hỏi đặt ra, liệu có thực sự cần thiết để các em gồng gánh quá nhiều kiến thức mỹ thuật chuyên môn khi khía cạnh học cảm thụ mỹ thuật vẫn còn nhạt nhòa?

Mỹ thuật trong nước không thiếu họa sĩ chuyên và không chuyên. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật và giới sưu tập cùng chung nhận định, chưa bao giờ Việt Nam đông họa sĩ như hiện nay. Nhưng ngược lại, số khán giả quan tâm đến mỹ thuật vẫn còn rất mỏng, mỏng về số lượng và mỏng về nhiều mặt trong thưởng thức. Vài năm gần đây đã có sự quan tâm của khá nhiều khán giả trẻ, tuy nhiên vẫn chưa đáng kể. 

Tranh Việt triệu USD xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế, nhưng lượng nhà sưu tập Việt so với các quốc gia trong khu vực chỉ là con số lẻ. Và ở các triển lãm trong nước, lượng người quan tâm, khách tới lui cũng là con số… ngại công bố, vì chẳng rầm rộ bao nhiêu dù có sự chuẩn bị kỹ của ê kíp truyền thông chuyên nghiệp. 

Nguyên nhân cũng dễ hiểu, bởi phần nhiều khán giả vẫn còn ngại đến phòng tranh, triển lãm… do khả năng cảm thụ tác phẩm chưa có; người có điều kiện càng ngại chơi tranh vì thiếu tự tin trong thưởng thức. Một cuộc xuống tay không khéo, chọn tác phẩm chưa đúng điệu dễ mang tiếng trọc phú, chơi ngông… Vì thế mỹ thuật vốn kén khán giả, nay thêm phần ngại đủ đường.

Tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ, nghệ sĩ muốn chạm đến công chúng, ngoài tài năng thiên phú còn cần đến cái duyên. Chính vì thế mà chuyện học làm họa sĩ, nghệ sĩ còn tùy vào nhiều thứ và định hướng nghề nghiệp của mỗi người, nhưng học để cảm thụ được những tác phẩm nghệ thuật thì có lẽ cần hơn hết… Trái tim không rung động trước một giai điệu hay, không cảm được một bức tranh đẹp thì hẳn là cuộc sống rất vô vị. Và tệ hơn nữa là khi người ta có điều kiện nhưng thiếu tự tin trong thưởng thức, thì cái đẹp và khán giả không chạm đến nhau, mỹ thuật hay nghệ thuật vẫn cứ mãi loay hoay.

Tin cùng chuyên mục