Thương tiếc nhà văn, dịch giả Lê Khánh Trường

Thương tiếc nhà văn, dịch giả Lê Khánh Trường
Thương tiếc nhà văn, dịch giả Lê Khánh Trường ảnh 1

Nhà văn, dịch giả Lê Khánh Trường.

Sáng 2-3-2008, nhà văn, dịch giả Lê Khánh Trường đã vĩnh viễn ra đi. 65 năm sống trên cõi đời, ông đã dành ra hơn 40 năm gắn bó với tiếng Nga và văn học Nga.

Từng đảm nhiệm công việc Trưởng bộ môn Văn học Nga tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tuy nhiên, bạn đọc nhớ về ông nhất vẫn là ở cương vị một dịch giả nổi tiếng. Tên tuổi của ông gắn liền với những kiệt tác của văn học Nga từng được xuất bản ở Việt Nam như Một ngày dài hơn thế kỷ, Trò chơi, Muối của đất, Bác sĩ Zhivago, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân….

Không chỉ là một dịch giả xuất sắc, luôn giữ được cái thần của những nhà văn vĩ đại khi chuyển tác phẩm của họ qua tiếng Việt, ông còn nổi danh là một dịch giả có tốc độ làm việc đáng nể. Tháng 9-2006, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao giấy chứng nhận Người dịch nhiều và nhanh nhất các loại sách tiếng Nga cho ông.

Theo sách kỷ lục, ông chỉ mất vỏn vẹn có 10 ngày để dịch tác phẩm Đoạn đầu đài của nhà văn Chingiz Aitmatov, cũng từng đó thời gian cho tác phẩm 300 trang Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân của nhà văn Yulian Semyonov. Tác phẩm Bọn trẻ phố Arbat của nhà văn Anatoly Rybakov dày hơn 1.000 trang ông dịch trong vòng 3 tháng, Bác sĩ Zhivago (Nobel Văn học 1958) của nhà văn Boris Pasternak dày hơn 900 trang ông chỉ mất 60 ngày để chuyển qua tiếng Việt.

Ngoài tiếng Nga, ông còn thể hiện năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt. Năm 1995 lúc đã 52 tuổi, ông học thêm tiếng Trung Quốc và lập thêm một kỷ lục khi chỉ mất 3 tháng học đã có thể dịch sách tiếng Trung sang tiếng Việt.

Những tác phẩm ông dịch đều rất nổi tiếng từ văn học như: Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký của nhà văn Kim Dung, đến loại sách nghiên cứu như: Từ điển thành ngữ-tục ngữ Hán Việt (in năm 1998), Từ điển tục ngữ Hán Việt (in năm 2001), Địa lý toàn thư của Lưu Bá Ôn, Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Quốc (hơn 2.400 trang).

Đúc kết một đời viết văn, dịch văn, dịch giả Lê Khánh Trường từng nhận định: “Muốn giỏi ngoại ngữ, trước hết người Việt phải giỏi tiếng Việt, nhất là đối với một người làm công việc dịch thuật. Giỏi tiếng Việt đồng nghĩa với am hiểu văn hóa, tinh thần, cốt cách Việt. Nếu không sành sỏi tiếng Việt thì dù giỏi ngoại ngữ đến mấy cũng không thể dịch tốt tác phẩm ngoại ngữ sang tiếng nước mình”.

Ông mất, để lại cho nền văn học Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn đối với một dịch giả đầy tài, đức.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục