Thượng viện Mỹ hủy chương trình giám sát cá da trơn

Ngày 26-5, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VASEP), tại kỳ họp của Thượng viện Hoa Kỳ diễn ra trước đó 1 ngày, các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo. 
Thượng viện Mỹ hủy chương trình giám sát cá da trơn

(SGGP).- Ngày 26-5, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VASEP), tại kỳ họp của Thượng viện Hoa Kỳ diễn ra trước đó 1 ngày, các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo. 

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Có thể nói, đây là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện. Nếu được cả Hạ viện thông qua thì gần như chắc chắn Tổng thống Barack Obama sẽ ký Sắc lệnh ban hành việc hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn trong Luật Nông nghiệp 2014 vì Nhà Trắng và đích thân Tổng thống Barack Obama đã khẳng định rằng, đây là chương trình lãng phí, không cần thiết và đề nghị không cấp ngân sách hoạt động cho chương trình này. Hàng năm, để giám sát, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) chỉ cần khoảng 700.000 USD, nếu chuyển qua Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giám sát sẽ tiêu tốn khoản ngân sách 14 triệu USD mỗi năm.

Năm 2008, Quốc hội Mỹ đã thay đổi Luật An toàn thực phẩm để USDA giám sát cá tra và cá da trơn thay FDA. Nhưng việc chuyển giao cơ quan giám sát từ FDA sang USDA được quy định vào tháng 4-2015. Người nuôi cá da trơn Mỹ ủng hộ chương trình thanh tra của USDA và cho rằng hoạt động thanh tra của FDA quá lỏng lẻo. Nhưng đa số đại biểu Mỹ lại phản đối. Trong đó có sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), Thượng nghị sĩ John McCain và Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO). Theo NFI, chương trình này không hướng đến an toàn thực phẩm mà là quyết tâm loại trừ hàng nhập khẩu. Đạo luật Farm Bill 2014 nhằm làm cho chương trình thanh tra không bị chồng chéo, tuy nhiên điều này vẫn xảy ra mà cụ thể là giữa USDA và FDA. Theo GAO, chương trình của USDA lãng phí gấp 8 lần các chương trình thanh tra khác.

Chiều qua, 26-5, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định, đây là tín hiệu tốt cho cộng đồng nghề cá tra, nhưng thực tế chưa có sự tác động cụ thể trong thời gian trước mắt. Tính đến hết tháng 4-2016, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

ĐĂNG LÃM

Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế bán phá giá đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.

- Ngày 2-12-2015, USDA chính thức công bố các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cá da trơn.

- Ngày 9-12-2015, các Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Kelly Ayotte đã trình Quốc hội Mỹ một nghị quyết mới đề nghị bãi bỏ các quy định mới đối với Chương trình giám sát cá da trơn của USDA, cho rằng chính quyền Tổng thống Obama áp dụng chương trình trên bất chấp thực tế là Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thực hiện các quy định về giám sát mặt hàng hải sản và Văn phòng Giải trình trách nhiệm của Chính phủ (GAO) nhiều lần cảnh báo rằng Chương trình giám sát cá da trơn của USDA sẽ lãng phí, trùng lặp và sẽ châm ngòi cho hành động đáp trả từ phía các đối tác thương mại châu Á - Thái Bình Dương nhằm vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ.

Cao Văn

Tin cùng chuyên mục