Thủy sản lập kỷ lục về xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, hết năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 11 tỷ USD. Đây là mốc kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 
Thu hoạch tôm tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TPHCM
Thu hoạch tôm tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TPHCM

Hướng tới 11 tỷ USD

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, tính đến hết tháng 11-2022 xuất khẩu thủy sản đạt 10,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63%, đạt gần 2,3 tỷ USD; tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%; cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40%, đạt 941 triệu USD; mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30%, đạt 704 triệu USD. Dự báo hết năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 11 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chiếm trên 7% thị phần toàn cầu, là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đóng góp 12% giá trị. Điều này cho thấy, ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong chỉ số GDP của cả nước. 

Vừa thu hoạch xong những ao cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc (tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi cho hay, những tháng qua, nông dân nuôi cá tra bán trung bình 32.000-33.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. Trung bình một ao cá tra 1ha, thu hoạch khoảng 400 tấn. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam, với hơn 400 doanh nghiệp tham gia, luôn tăng trưởng cao. Chỉ tính riêng Trung Quốc đã xuất khẩu đạt hơn 650 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2021. 

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay, năm nay, công ty xuất khẩu đạt 120 triệu USD, tăng 20% so với năm 2021; hàng xuất khẩu đến hơn 10 quốc gia, gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức, Pháp, Nga, Singapore... 

Tuy nhiên, theo VASEP, trong quý 4-2022, tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tuột dốc. Dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu do khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân.

Hỗ trợ vốn vay, bình ổn giá vật tư đầu vào

Trước tình hình lạm phát, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các nước sẽ tăng cường nhập khẩu sản phẩm có giá trị thấp hơn như cá tra, cá basa thay vì nhập khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, phân tích, đến thời điểm này chưa có nhiều đơn hàng là do các nhà nhập khẩu đang tìm hiểu thị trường cuối năm, khi thấy mức tiêu thụ sản phẩm cao mới nhập. Năm 2023, công ty phải xây dựng chiến lược gồm tiết kiệm nguồn vốn, đầu tư chế biến sâu hơn với các sản phẩm từ tôm. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất nuôi tôm của Việt Nam đang cao nhất thế giới nên cần phải hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm mở thị trường mới với địa lý gần hơn để giảm giá thành vận chuyển cũng như giảm chi phí nhập khẩu.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo, năm 2023, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản, nhất là cá tra, đồng thời nhập nguyên liệu để xuất khẩu sang nước khác. Bà Nguyễn Thị Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền, cho hay, cá tra tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong năm 2023, công ty sẽ mở rộng thị trường Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc. Hiện công ty đã ký kết với một vài đơn vị nhập khẩu Trung Quốc có thể cung ứng 300 container cá tra trong năm 2023.

Để ổn định sản xuất, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường. Chính phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistics trong nước. Đối với doanh nghiệp, phải cân đối được tài chính, tiết kiệm chi phí sản xuất, sắp xếp lại chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất cho đến xuất khẩu.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết, bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn nhằm giảm giá thành sản xuất. Bộ tiếp tục đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin để nông dân có kế hoạch sản xuất phù hợp. 

Tin cùng chuyên mục