Mấy ngày nay, nhiều người đi ngang qua khu vực bùng binh Cây Gõ (giáp ranh giữa quận 6 và quận 11, TPHCM) đều ngạc nhiên, bức xúc và đồn nhau rằng: “người ta đã phá bỏ tượng đài Lê Lợi để thi công cầu vượt bằng thép”.
Đi tìm hiểu, được Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 6 giải thích là đơn vị phục chế của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM đang làm các công việc bảo quản để chuẩn bị di dời tượng về đặt tại công viên Phú Lâm, phường 13, quận 6, theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Chuyện sẽ chẳng có gì ồn ào nếu đơn vị thi công chịu khó làm bốn tấm biển, đặt bốn góc công trường, viết vài từ giải thích điều mình đang làm và thông báo nơi tọa lạc mới của tượng đài.
Nhân chuyện này, tôi lại nhớ đến chuyện diễn ra ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM) đã lâu nhưng đến nay nhiều cán bộ và nhân viên ở đây vẫn nhắc lại và hú hồn. Chả là một ngày kia, lãnh đạo bảo tàng nhận được những cuộc điện thoại dồn dập hỏi sao nhiều cổ vật của phòng trưng bày Vương Hồng Sển bỗng… không thấy đâu. Hóa ra nhiều người đến tham quan, thấy phòng trưng bày thiếu một số cổ vật mà những lần trước người ta có thấy. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, rồi tam sao thất bản. Sự tình là do có nhiều hiện vật của cụ Vương Hồng Sển mà diện tích không đủ nên bảo tàng phải trưng bày luân phiên. Giá như bảo tàng làm một tấm biển thông báo ở phòng trưng bày để khách tham quan được biết thì đã chẳng xảy ra những chuyện như vậy.
Chỉ vài dòng chữ mà tránh được những thắc thỏm và bức xúc của bao nhiêu người. Dễ thế mà người ta chẳng làm!
THẢO LƯ