
50% tổng số tàu đã đầu tư làm ăn không hiệu quả và hiện nay phải nằm bờ không thể ra khơi; nhiều tàu của các địa phương sử dụng sai mục đích gây lãng phí hàng chục tỷ đồng vốn ngân sách… Đó là kết luận của cơ quan chức năng sau khi kiểm tra một loạt địa phương thực hiện dự án đánh bắt hải sản xa bờ.
- Làm nghề rừng cũng được lập dự án... đi biển
Theo nhận định của cơ quan chức năng, dự án đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ (HSXB) bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.
Sau 7 năm thực hiện (kể từ 1997), dự án đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ đã đạt những kết quả nhất định: tăng sản lượng khai thác, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, yếu kém trong quá trình tổ chức, thực hiện dự án, đặc biệt là hiệu quả kinh tế của dự án đã bộc lộ.

Có đến 50% số tàu thuộc dự án đánh bắt xa bờ không thể ra khơi.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc chọn chủ dự án đầu tư không đúng đối tượng; lập, thẩm định xét duyệt các dự án đầu tư thiếu chặt chẽ, không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Chỉ mới kiểm tra 283 hợp tác xã (HTX) tại 9 tỉnh, TP thì có đến 264 HTX thành lập ngay sau khi dự án được xét duyệt với mục đích là để "xin và tiếp nhận" dự án đầu tư.
Điều đáng nói là các HTX này không có đủ các điều kiện hoạt động quy định: các xã viên chỉ góp vốn trên danh nghĩa; không có mối quan hệ hợp tác làm ăn, không có kinh nghiệm đi biển và kinh nghiệm quản lý; không có cả sự ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của xã viên đối với số vốn vay của Nhà nước. Kiểm tra phần vốn tự có tham gia vào các dự án (15% so với tổng vốn đầu tư) tại 63 HTX của 3 tỉnh cho thấy số vốn bị "rút ruột" lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc tồn tại các HTX, tổ hợp tác này trên thực tế chỉ là hình thức, vì sau một thời gian thành lập các đơn vị này phần lớn không còn xã viên, mà chỉ còn chủ nhiệm hoặc kế toán; thậm chí, nhiều tàu đã thuộc quyền khai thác và quản lý của các gia đình tư nhân.Việc lựa chọn, xét duyệt các hộ ngư dân là chủ các dự án đầu tư cũng "hình thức" không kém.
Nhiều trường hợp cá nhân không có kinh nghiệm đi biển, sức khỏe không đảm bảo, tuổi quá cao, bị dị tật bẩm sinh, thậm chí có những người chuyên làm nghề… rừng, cũng vẫn được xét duyệt là chủ dự án đầu tư (vi phạm nghiêm trọng Quy chế quản lý sử dụng vốn tín dụng theo QĐ 393 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo nhận định của cơ quan thanh tra, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ngư dân làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, phải giải thể hoặc phá sản.
- Không cần phê duyệt, vẫn "quyết" vô tư

Do bị “rút ruột”, nhiều chiếc tàu thuộc dự án đánh bắt hải sản xa bờ như thế này không đảm bảo chất lượng.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, phần lớn các dự án đầu tư do Sở Thủy sản hoặc do đơn vị tư vấn lập hầu hết đều theo một khuôn mẫu có sẵn, sao chép giống nhau cả về các chỉ tiêu, hiệu quả, chỉ tiêu thu hồi vốn (chỉ khác nhau về địa danh và tên chủ dự án); trong khi, những thủ tục tối cần thiết như: giấy phép hành nghề, ý kiến của Sở Thủy sản, báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch - Đầu tư… cũng không có. Ngay như thiết kế, dự toán được lập và phê duyệt - cơ sở để thi công đóng tàu - cũng không chính xác về khối lượng và đơn giá vật tư, vật liệu, khiến giá trị của tàu bị "thổi phồng" so với thực tế.
Tuy nhiên, theo cơ quan thanh tra, kiểm tra dự toán một số tàu đoàn thanh tra còn phát hiện sự thật "kinh hoàng" hơn. Cụ thể là số gỗ được phê duyệt trong dự toán có khối lượng quá lớn so với yêu cầu của thiết kế và thực tế. Ví dụ tàu có cùng kích thước dài, rộng, cao như nhau, nhưng khối lượng gỗ sử dụng tại các dự toán đã được phê duyệt có trường hợp chênh lệch lên đến 18,65m3/tàu.
Việc thu phí thiết kế ở mỗi địa phương cũng… mạnh ai nấy áp dụng. Có tỉnh là 1% tính trên tổng số vốn vay; có tỉnh lại là 1% trên giá khái toán của tàu, không phân biệt thiết kế mới hay theo mẫu có sẵn (việc làm này vi phạm nghiêm trọng hướng dẫn của Bộ Thủy sản). Đã vậy, tại nhiều địa phương, phần lớn thiết kế và lập dự toán đều có cùng một mẫu, nhưng vẫn tính phí thiết kế từ 4 đến 6 triệu đồng/tàu, khiến giá trị đầu tư bị tăng lên hàng trăm triệu đồng.
- Tiền "chùa", đua nhau... rút ruột
Cơ quan chức năng nhận định: "Từ việc giải ngân và thanh toán tiền của các tổ chức cho vay không chặt chẽ, không đầy đủ các thủ tục theo quy định dẫn tới việc nhiều chủ dự án đã thỏa thuận, thông đồng với các cơ sở đóng tàu, cơ sở bán ngư lưới cụ và trang thiết bị để lập khống hợp đồng hoặc lập hai hợp đồng có giá trị khác nhau nhằm rút tiền dự án".

Có nhiều người làm ... nghề rừng, vẫn được “phê duyệt” đầu tư dự án tàu đánh bắt xa bờ.
Cụ thể, nhiều trường hợp thỏa thuận thay đổi kích thước tàu, rút bớt cả chiều dài lẫn chiều cao của tàu, thậm chí "rút ruột" của dự án từ 15% đến 19% số tiền vay đóng tàu.Tình trạng chủ dự án rút ruột tiền mua lưới cụ để chi tiêu không đúng mục đích cũng xảy ra tại nhiều dự án.
Nhiều cơ sở bán ngư lưới cụ, trang thiết bị được giao nhiệm vụ cung cấp vật tư cho các dự án, nhưng không có khả năng cung cấp đã lập khống các hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng, hóa đơn xuất kho, thực tế chỉ là trung gian nhận vốn từ đơn vị cho vay để hưởng lệ phí từ 3% đến 5% và tạo điều kiện cho chủ dự án rút tiền, chi trái nguyên tắc.
Trong nhiều trường hợp, chủ dự án còn phải nộp 5% - 10% thuế giá trị gia tăng về việc mua hóa đơn, chứng từ khống, góp phần dẫn đến tình trạng tàu đóng bằng vốn vay đánh bắt HSXB có chi phí cao hơn tàu đóng mới bằng vốn tự có của ngư dân hàng chục triệu đồng/chiếc.Không những vậy, nhiều chủ dự án còn cả gan rút tiền mặt về nhưng không nhập quỹ mà bỏ ngoài sổ sách, chi tiêu trái nguyên tắc hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, các đơn vị cho vay đã không kiểm tra, rà soát các điều kiện và thủ tục, hồ sơ trước khi giải ngân, dẫn đến nhiều trường hợp cho vay vượt quá dự toán, thiết kế; thanh toán trùng lắp, không đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định… đưa tổng số tiền sai phạm lên tới hàng chục tỷ đồng…
Ngoài ra, theo cơ quan thanh tra, tại nhiều tỉnh, TP, còn phát hiện số tàu hoàn thành đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được quyết toán vốn đầu tư. Chỉ mới kiểm tra tại 7 tỉnh đã có trên 300 tàu hiện vẫn chưa được quyết toán và có đến hơn 50% trong số đó làm ăn không hiệu quả, hiện nay phải "nằm vật vạ" ven các bờ biển.
PHẠM TRƯỜNG