Tiền Giang: Nghề nuôi nghêu đạt chứng nhận quốc tế ASC

Ngày 15-11, tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang diễn ra Lễ trao Chứng nhận ASC (chứng nhận quốc tế) và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu Tiền Giang.
Chứng nhận ASC được xem như tấm “thẻ thông hành”, đưa sản phẩm nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường mới, khó tính trên thế giới
Chứng nhận ASC được xem như tấm “thẻ thông hành”, đưa sản phẩm nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường mới, khó tính trên thế giới

Chương trình có sự tham gia của các Cơ quan ban ngành tỉnh, UBND huyện Gò Công Đông, tổ chức OXFAM, ICAFIS, đơn vị tư vấn RECERD, Tổ chức chứng nhận Control Union, cộng đồng nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nghêu trong khu vực ĐBSCL.

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Bé Bảy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, ASC là chứng nhận nuôi thủy sản bền vững, có trách nhiệm, đã và đang được đông đảo thị trường quốc tế tín nhiệm. Vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, sản phẩm nghêu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu sản phẩm đặc sản của địa phương và được xem là tín hiệu vui cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), nghêu là 1 trong 4 đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Australia…

Khi nghề nuôi nghêu được phát triển, đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Tiền Giang là một trong những tỉnh có nghề nghêu phát triển tại Việt Nam. Nghề nghêu tại huyện Gò Công Đông đã xuất hiện từ trước năm 1975, đến năm 1990, UBND tỉnh Tiền Giang đã phân lô, giao khoán cho các hộ dân và Ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông để bảo vệ và phát triển nghề nuôi nghêu.

Tuy nhiên, nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông thường bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh “suy thoái kinh tế toàn cầu”, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao...

Hiện, nghề nuôi nghêu ở vùng ven biển Gò Công phát triển khá mạnh, theo kết quả điều tra năm 2022 toàn tỉnh có 530 hộ được nhà nước cho thuê đất để nuôi nghêu, góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Thu hoạch nghêu

Thu hoạch nghêu

Toàn huyện Gò Công Đông hiện có khoảng 2.200ha diện tích nuôi nhuyễn thể, chủ yếu là nghêu, sản lượng hàng năm đạt khoảng 18.000 - 20.000 tấn nghêu thương phẩm.

Theo ICAFIS, vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông là vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Chứng nhận ASC được xem như tấm “thẻ thông hành”, đưa sản phẩm nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường mới, khó tính trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục