Tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững

Theo một số nghiên cứu đánh giá thì mức năng lượng một tòa nhà sử dụng thường cao hơn mức năng lượng một nhà máy sử dụng. Trong một tòa nhà, các thành phần sử dụng năng lượng bao gồm hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy và các thiết bị phụ trợ khác như bơm nước, thông gió…

Nhìn chung, cơ cấu sử dụng năng lượng của một tòa nhà rất lớn, bao gồm 40%-60% năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15%-20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10%-15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, với việc áp dụng một số các giải pháp kỹ thuật tại khách sạn Majestic TPHCM như: thay đèn dây tóc sang đèn compact, thay thế máy lạnh cục bộ hiệu suất cao, sử dụng hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời công suất 13.000 lít/ngày thay thế cho máy nước nóng điện và hệ thống nước nóng lò hơi DO trước đây, lắp biến tầng cho hệ hệ thống bơm nước thủy cục 5Hp, lắp đặt thêm các cửa Euro Window và Us Window cho các cửa sổ và cửa ra ban công… khách sạn này  đã tiết kiệm được 719,866 kWh điện/năm, tương đương với khoảng gần 1,1 tỷ đồng.

Thực tế tại TPHCM, thời gian qua có rất nhiều dự án các khu đô thị mới, công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Trong đó, các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại có mức tiêu thụ năng lượng lớn song các chủ đầu tư hầu như không quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của các biện pháp này.

Năng lượng tiêu thụ cho khu vực các tòa nhà, đặc biệt là các công trình nhà ở và công trình công cộng cao tầng ngay từ năm 1994 đã chiếm khoảng 23%-24% trên tổng số năng lượng tiêu dùng. Tỷ lệ này tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây khi các đô thị phát triển mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể. Chính những bất hợp lý trong các giải pháp thiết kế công trình, đặc biệt là phần vỏ công trình kém hiệu quả cách nhiệt và lắp đặt thiết bị đã làm thất thoát 20%-30% nguồn năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng.

Tại Việt Nam hoàn toàn chưa quan tâm tới vấn đề hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng cao tầng và thương mại, chưa có những hướng dẫn và quy định cụ thể về TKNL trong thẩm định cấp giấy phép xây dựng… Trong khi đó, trên thế giới mặc nhiên coi việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng các công trình là một điều bắt buộc.

Bên cạnh đó, các đô thị tại Việt Nam chưa xây dựng được một thị trường vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, sự hạn chế về chủng loại, chất lượng và phân phối, cung cấp sản phẩm, thiết bị TKNL cũng gây khó khăn cho người tiếp cận. Chẳng hạn như sử dụng kính TKNL trong xây dựng mới dừng lại ở mức thí điểm như tòa nhà Vincom Center tại TPHCM hay sử dụng kính hộp 2 lớp có phủ Low-E tại trụ sở Bộ Công an. Một mặt do các DN chưa quan tâm đến các giải pháp TKNL, mặt khác, sử dụng kính TKNL có giá thành cao nên nhiều DN không có điều kiện tiếp cận. Với chi phí đầu tư ban đầu cao, để kính TKNL nhanh chóng phổ biến các cơ quan nhà nước cần có những quy định cụ thể nhằm định hướng cho DN, cũng như hỗ trợ DN trong quá trình triển khai.

Vi Quân

Tin cùng chuyên mục