Áp lực về ô nhiễm đối với nguồn nước của 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai ngày càng lớn trước tình trạng các cơ sở công nghiệp, chăn nuôi xả nước thải chưa được xử lý triệt để. Các chuyên gia môi trường cho rằng, đã đến lúc TPHCM cần sớm có giải pháp sử dụng nước thông minh cho xu hướng phát triển thành một đô thị thông minh.
Ngưng lấy nước thô
Thực tế từ vài năm gần đây, nhiều nhà máy nước tại TPHCM có thời điểm buộc phải ngưng lấy nước thô từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai bởi tình trạng xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt khiến hoạt động khai thác nước sạch cung cấp cho thành phố gặp nhiều khó khăn. Các sông Sài Gòn, Đồng Nai là nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước của TPHCM với công suất sản xuất nước sạch khoảng 2,4 triệu m³/ngày đêm.
Theo thông tin từ ngành cấp nước thành phố, hiện tượng El Nino đang gây hạn hán, tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Việc này gây thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của hàng loạt nhà máy nước sạch. Nhận định về nguy cơ ô nhiễm đe dọa nguồn nước, bà Anke Mastenbroek, Giám đốc bộ phận xử lý nước thuộc Tập đoàn Royal Haskoning DHV (Hà Lan), cho rằng không chỉ TPHCM mà rất nhiều thành phố khác trên thế giới đang gặp phải vấn đề nguồn nước thô bị xâm nhập mặn và ô nhiễm. “Căn cơ nhất cho một nguồn nước sạch bền vững vẫn là giữ sạch các con sông. Tuy nhiên, việc này vừa khó lại rất mất thời gian”, bà Anke khẳng định.
Ô nhiễm nguồn nước là vấn đề rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Tác nhân gây ô nhiễm chính là con người; trong khi đó, nước lại là nguồn tài nguyên có giới hạn, vô cùng quý giá đối với con người. Nếu nói về mặt kỹ thuật thì các công nghệ hiện đại hoàn toàn có thể làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm, có thể xử lý nước biển thành nước ngọt để cung cấp nước sạch; có thể xử lý nước thải hay nước qua sử dụng để làm sạch nước và tái sử dụng, làm tuần hoàn vòng nước…
Bà Anke Mastenbroek chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nguồn nước thông minh
Bà Anke cho biết thêm, hiện Hà Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ và kỹ thuật ngành nước. Và không chỉ tại Hà Lan, rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở những quốc gia phát triển cũng làm được điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải cùng nhau bảo vệ nguồn nước thô. “Điều làm tôi thích về Việt Nam là ý thức được việc phải bảo vệ tài nguyên nước và có các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm. Đây là những biện pháp bổ trợ giúp chúng ta bảo vệ nguồn nước. Về mặt kỹ thuật và công nghệ, tôi khẳng định là chúng ta có nhiều giải pháp để xử lý các nguồn nước thay thế khác, như tái chế nước hoặc xử lý nước biển thành nước ngọt”, bà Anke nhận định.
Còn theo ông Đoàn Mạnh Thắng, Giám đốc ngành nước Việt Nam của Tập đoàn Royal Haskoning DHV, một trong những giải pháp của TPHCM hiện nay là dẫn nước thủy lợi từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Phước Hòa về làm nguồn nước thô để cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch của TPHCM. Đây là những nguồn nước có thể nói bền vững nhất ở thời điểm hiện tại; có thể thay thế khi 2 nguồn nước chính là sông Sài Gòn và Đồng Nai bị ô nhiễm. “Dẫn nguồn nước từ các hồ thủy lợi về TPHCM là biện pháp lâu dài. Vì nếu dẫn nguồn nước thô về, chi phí sẽ tăng lên, chúng ta phải trả tiền nước cao hơn. Tuy vậy, nếu như sông Đồng Nai và sông Sài Gòn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm mà không có giải pháp xử lý thì nguồn nước thủy lợi từ các hồ thủy lợi là giải pháp bền vững”, ông Thắng nói.
Sử dụng công nghệ mới
Theo các chuyên gia ngành nước, trên thế giới, các quốc gia đều gặp vấn đề lớn liên quan đến nước và đòi hỏi đầu tư rất lớn về hạ tầng ngành nước. Tuy nhiên, không bao giờ có đủ tiền để đầu tư vào hạ tầng. Mặt khác, trong thời đại ngày nay thì thông tin và dữ liệu là nguồn tài nguyên khổng lồ cùng với sự phát triển công nghệ, kỹ thuật; đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các tiến bộ khoa học công nghệ khác. Những thay đổi về mặt công nghệ, về trí tuệ nhân tạo, về dữ liệu… sẽ thay đổi hoàn toàn cách vận hành, hoạt động của ngành nước so với trước đây.
Thật ra, khái niệm “nước thông minh” là sự tận dụng những dữ liệu và thông tin để sau đó chúng ta có thể xây dựng hệ thống nước, hệ thống quản lý nước hiệu quả hơn; tận dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật để quản lý nước thông minh hơn và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn. Đó là sử dụng công nghệ để theo dõi việc cấp nước và sử dụng nước, tối ưu hóa việc cấp nước vào hệ thống. Muốn vậy, phải có hệ thống để theo dõi, giám sát, thu thập các dữ liệu. Tùy thời điểm và nhu cầu (tăng hoặc giảm) để cấp nước vào hệ thống cho đúng với lưu lượng và mức độ của nhu cầu. Nếu cấp quá nhu cầu sẽ gây lãng phí. Nếu không có dữ liệu thì việc cấp nước của chúng ta là cứ bơm đều vào trong hệ thống, giống nhau ở mọi lúc. Như vậy sẽ gây ra sự lãng phí vào thời điểm nhu cầu thấp điểm.
Đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hóa, ngành nước phải luôn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản. Sự kết hợp của các công nghệ mới trong ngành nước với các đơn vị công nghệ thông tin sẽ giúp quản lý ngành nước hiệu quả hơn và tối ưu hóa.