Khác với sự hình thành từ rất sớm của các dòng gốm ở khu vực Bắc bộ, đầu thế kỷ 20, gốm Biên Hòa ra đời - nhờ sự kết hợp hài hòa từ kỹ thuật chế tác của gốm bản địa, tiếp thu kỹ thuật tạo tác của gốm Cây Mai (Sài Gòn - Chợ Lớn) và kỹ thuật làm gốm cổ của người Hoa. Năm 1903, người Pháp cho xây dựng trường dạy nghề tại Việt Nam, với tên gọi quen thuộc là Trường Bá nghệ Biên Hòa - ngôi trường dạy nghề, đào tạo mỹ thuật đầu tiên và duy nhất ở khu vực Nam bộ, nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Từ cái nôi này, cái tên gốm Biên Hòa đã nhanh chóng nổi tiếng và được vinh danh trên trường quốc tế.
Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt
Sự hòa quyện tài tình giữa đất, nước và lửa đã tạo nên những sản phẩm gốm Biên Hòa đặc trưng bản sắc, điểm tô cho văn hóa Việt. Trước đó, những sản phẩm gốm ở đây tuy đã phát triển khá mạnh nhưng chủ yếu là gốm gia dụng như nồi, ơ, trả, trách, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày chứ chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật. Từ khi Trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập năm 1903, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia người Pháp, những giáo viên thế hệ đầu tiên của trường đã tập trung nghiên cứu, cải tạo quy trình sản xuất, tạo mẫu, pha chế men màu, đặc biệt là cải tạo nguyên liệu gốm. Qua nhiều lần thử nghiệm, năm 1923, các nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Liên tiếp từ năm 1925 đến năm 1955, gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã làm rạng danh tinh hoa văn hóa Việt khi vinh dự được tham dự các triển lãm quốc tế và giành được nhiều huy chương vàng.
Người dân TPHCM thưởng lãm gốm truyền thống Biên Hòa
Nói đến gốm mỹ nghệ Biên Hòa là nói đến sự kết hợp khéo léo nghệ thuật giữa Tây và ta, giữa cũ và mới, là sự kết tinh giữa kinh nghiệm điêu luyện làm gốm thủ công cổ truyền với kỹ thuật hiện đại của công nghệ Pháp. Tuy nhiên, cái cốt lõi, cái hồn vẫn nằm ở nguyên liệu đất bản địa đặc trưng và men thực vật truyền thống do các nghệ nhân Biên Hòa tạo nên. Có thể khẳng định, sự ra đời của gốm mỹ nghệ đã đóng vai trò một bước ngoặt quan trọng trong phát triển nghề gốm ở Biên Hòa. Không chỉ đáp ứng đơn thuần với những sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, gốm Biên Hòa còn mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao.
Xưa, gốm Biên Hòa đẹp về kiểu dáng, họa tiết và cả chất men. “Đặc biệt, chất men ở gốm Biên Hòa có nét độc đáo riêng, không giống như những địa phương khác. Độ lửa, chấm men và kỹ thuật khắc đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ cho gốm Biên Hòa. Chỉ tiếc rằng, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Làm cách nào để phục hồi, một khi những nghệ nhân am tường kỹ thuật chế tác cũng mất đi?”, GS Nguyễn Đức Lân tâm tư. Ngày nay, với công nghệ làm gốm ngày càng hiện đại, kỹ thuật làm gốm ngày càng được cải tiến, nhiều tổ hợp, công ty xí nghiệp đi vào sản xuất gốm chuyên nghiệp, theo quy trình công nghiệp… làm cầu nối đưa sản phẩm gốm Biên Hòa tự hào góp mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Lịch sử nghề gốm sứ của Việt Nam có từ hơn 10.000 năm trước, từ thời tiền sử, thời đồ đồng, thời Lý, Trần… Đến nay gốm sứ đã đạt những đỉnh cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nhiều trung tâm gốm sứ đã hình thành trong cả nước với những sản phẩm đặc trưng riêng như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Nai… Trong tiến trình hội nhập, phát triển, gốm sứ Việt không chỉ gặp khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ chậm đổi mới, ô nhiễm môi trường mà điều đáng quan tâm nhất là nhiều làng nghề truyền thống đang dần mai một hoặc những đặc trưng, nét độc đáo đã không còn. Theo thống kê hiện nay, chỉ còn khoảng 40 cơ sở lớn nhỏ làm nghề gốm ở Biên Hòa tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An.
Tìm lại hồn gốm Biên Hòa
Xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với gốm Biên Hòa, hàng trăm tác phẩm gốm theo công nghệ thủ công truyền thống của 14 tác giả ở Đồng Nai vừa ra mắt công chúng tại TPHCM. Cùng chung tài năng và ý hướng, thông qua triển lãm, các nghệ sĩ đã cùng suy ngẫm về di sản văn hóa và tương lai của gốm Biên Hòa, mỗi người một vẻ.
Những tác phẩm của các nghệ sĩ Đinh Công Lai và Nguyễn Văn Cường mang trở lại những hình dáng kinh điển đã một thời nổi tiếng của gốm Biên Hòa. Cũng trên nền những hình thể và kỹ thuật kinh điển của gốm Biên Hòa, Nguyễn Trung Thường cống hiến những chi tiết bất ngờ. Tô Văn Thăng, Đinh Công Việt Khôi, Phạm Công Hoàng, Trần Minh Công cập nhật những hình dáng và họa tiết Biên Hòa bằng cách tạo dáng mới hay các họa tiết trong những đề tài thời đại. Tiếp tục với truyền thống tượng Biên Hòa nhưng Nguyễn Văn Trung đẩy lệch những tỷ lệ hình thể để làm nổi bật một số khía cạnh và biểu thị cảm xúc. Tranh gốm của Nguyễn Quang Hoàng lại dùng các men màu và kỹ thuật khắc Biên Hòa để mang đến tính truyện của nghệ thuật đương đại. Loạt tác phẩm của Nguyễn Quốc Chánh phục hồi lại những đường nét cổ xưa trên gốm Biên Hòa như rồng bay, hoa sen, vẩy rồng kết hợp với hình thù điêu khắc xộc xệch tạo cảm giác khôi hài về sự lỗi thời của ước lệ văn hóa.
Họa sĩ, NGND Uyên Huy, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam ví von, cần 4 yếu tố để tạo nên nét đặc trưng cho tác phẩm nghệ thuật gốm Biên Hòa, đó là nhất dáng, nhì da (còn gọi là xương gốm), tam men, tứ trí (hoa văn trang trí, khắc..). Ngoài đặc trưng chất liệu đất bản địa, lửa để nung gốm Biên Hòa phải là lửa lò củi. Điều này đã được khẳng định từ cả trăm năm qua. Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, nhiều năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai chủ trương khuyến khích dùng gas trong công nghệ nung gốm thay vì dùng lò củi truyền thống. “Theo tôi, điều này quả là một thiệt thòi rất lớn cho gốm Biên Hòa, bởi vì có những men màu truyền thống chỉ có thể có được sản phẩm gốm ưng ý khi đốt bằng lò củi”, ông khẳng định. Họa sĩ Uyên Huy kể thêm: “Tôi đi công tác ở Singapore, có dịp tận mắt chứng kiến người ta đem lò củi nung để giới thiệu kỹ thuật chế tác, làm gốm cho du khách. Thế nhưng, đau lòng ở chỗ gốm họ giới thiệu ở đây lại là gốm của… Việt Nam! Sản phẩm gốm truyền thống của mình, làng nghề gốm truyền thống của mình bao giờ mới được tiếp sức để tiếp cận được mà quảng bá văn hóa đến du khách quốc tế?”.
Để phát huy bản sắc truyền thống của gốm Biên Hòa, những người làm gốm nên có kiến nghị với các ngành chức năng vẫn sử dụng lò củi nung củi truyền thống. Nhiều nghệ sĩ trẻ làm gốm đã thể hiện tính sáng tạo tốt, hình thức tạo hình tuyệt vời sẽ góp phần đưa gốm truyền thống Biên Hòa trở lại. “Mong muốn của những người đi trước chúng tôi là các bạn trẻ quan tâm và tìm hiểu hơn về nghề truyền thống này”, họa sĩ Uyên Huy tâm tư.
MINH AN