Tìm lời giải căn cơ cho tro, xỉ than nhiệt điện: Nhà đầu tư không mặn mà

Tỉnh Bình Thuận có 4 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất gần 4.300MW đang hoạt động gồm: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng. Tro, xỉ thải ra từ hoạt động của các nhà máy này đã cao như núi; Bình Thuận đã tìm mọi biện pháp để xử lý nhưng kết quả vẫn “chưa đi đến đâu”.

LTS: Có 2 bức tranh với 2 gam màu khác nhau về tro, xỉ nhiệt điện ở khu vực phía Nam. Trong khi tại tỉnh Bình Thuận, đến đầu năm 2022, tổng lượng tro, xỉ than của các nhà máy phát thải bị ùn ứ tại các bãi chứa lên khoảng 12 triệu tấn, thì tại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Duyên Hải (xây dựng năm 2015 tại Trà Vinh), tổng lượng tro, xỉ trữ tại bãi hiện chỉ khoảng 3,67 triệu tấn. Từ khi đi vào vận hành đến hết tháng 4-2022, tổng lượng tro, xỉ phát sinh của NMNĐ Duyên Hải là 7,88 triệu tấn và đã có khoảng 4,2 triệu tấn được tái sử dụng. Thực tế cho thấy, chưa có lời giải căn cơ, nhất quán cho tro, xỉ nhiệt điện!

Tìm lời giải căn cơ cho tro, xỉ than nhiệt điện: Nhà đầu tư không mặn mà ảnh 1 Bãi chứa tro, xỉ than của 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng ngày càng quá tải


Bãi chứa đầy, đầu ra “bí”

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, bãi chứa tro, xỉ than của NMNĐ Vĩnh Tân 1 diện tích khoảng 59,5ha. Hiện tại, khối lượng tro, xỉ lưu chứa tại bãi chứa khoảng 3,2 triệu tấn (chiếm 43% dung tích lưu chứa). Bãi tro, xỉ của NMNĐ Vĩnh Tân 2 sử dụng chung với NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng có diện tích hơn 38ha, khả năng lưu trữ khoảng 8,7 triệu tấn tro, xỉ. Nhưng bãi chứa này sắp đầy khi đã lưu trữ 8,1 triệu tấn (chủ yếu của NMNĐ Vĩnh Tân 2 với 7,2 triệu tấn). Theo lãnh đạo NMNĐ Vĩnh Tân 2, thời gian tới, nếu không có giải pháp để xử lý nguồn vật liệu tro, xỉ thì sẽ không còn chỗ chứa. Điều này đồng nghĩa với việc các NMNĐ có khả năng phải ngưng hoạt động.

Để giải quyết khó khăn, trước đây, NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã xin UBND tỉnh Bình Thuận cho phép sử dụng 300.000 tấn tro, xỉ để san lấp mặt bằng khu vực mỏ đá Hang Cò (huyện Tuy Phong) để giảm tải cho bãi chứa, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Không chỉ vậy, khoảng 8 năm trước, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho một công ty làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ than, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì, doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người” mặc dù đã xây dựng nhà xưởng.

Điều đáng nói, tro, xỉ than dù đã được các bộ, ngành liên quan đánh giá, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn để làm vật liệu san lấp, làm nền đường nông thôn, phụ gia khoáng cho bê tông, nhưng đến nay nhiều đơn vị vẫn “quay lưng”, không mấy mặn mà với nguồn nguyên liệu này. “Nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận liên tục có chính sách mời gọi nhà đầu tư tham gia sử dụng tro, xỉ than. Có doanh nghiệp đến hứa hẹn rất nhiều, nhưng rồi âm thầm rút đi”, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cho biết. Ông Võ Văn Hòa cũng nhìn nhận, người dân có tâm lý e ngại, chưa quen sử dụng các sản phẩm xây dựng làm từ tro, xỉ nhiệt điện. Do nhu cầu sử dụng loại vật liệu này trong dân không có, nhà đầu tư quay lưng nên tro, xỉ vì thế cứ ùn ứ. 

Bãi chứa tro, xỉ than của 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng


Thiếu công nghệ đầu tư xử lý 

Trước những khó khăn trên, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan trên địa bàn xúc tiến phối hợp, có giải pháp ưu tiên sử dụng tro, xỉ than của các NMNĐ đã hợp chuẩn, hợp quy, sử dụng làm vật liệu san lấp trong công trình xây dựng thuộc sở ngành địa phương quản lý. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công phải ưu tiên sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp. 

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn tỉnh Bình Thuận, chủ trương sử dụng tro, xỉ than trong các công trình sử dụng vốn đầu tư công là một giải pháp khả thi. Thế nhưng, thực tế không đơn giản. “Các công trình sử dụng vốn đầu tư công của địa phương không nhiều, nên sản lượng tro, xỉ than tiêu thụ không bao nhiêu”, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nhận định.

Để các công trình được xây dựng từ nguồn vốn khác cũng sử dụng tro, xỉ, theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, phải có nhà máy để phối trộn, gia công thêm một số vật liệu để tạo hình, tạo độ cứng nhất định cho vật liệu. Nhưng, hiện tại tỉnh Bình Thuận chưa có nhà đầu tư nào tham gia sản xuất theo hình thức này, dẫn đến các sản phẩm tro, xỉ bị bỏ đi rất lãng phí. Ông Võ Văn Hòa cho rằng, để xử lý tro, xỉ căn cơ, hiệu quả, phải đầu tư thêm để trở thành vật liệu sử dụng tốt trong công trình xây dựng; đồng thời phải tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận tham gia tiêu thụ sản phẩm từ tro, xỉ. Đây là giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài giúp giải quyết lượng tro, xỉ than phát sinh ngày càng nhiều ở Bình Thuận.

Khác với nhiều năm trước, từ chỗ phải tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm để xử lý, hiện nay tro, xỉ ở Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) đã trở thành hàng “hot”, mang lại nguồn thu đáng kể.

Mỗi ngày, có hàng chục chiếc xe bồn nối đuôi nhau chờ lấy tro, xỉ. Hiện mỗi ngày, 3 nhà máy của NMNĐ Duyên Hải thải ra khoảng 4.000 tấn tro, xỉ. 90% trong số này được tiêu thụ ngay. Đơn vị này đã phải đầu tư thêm một hệ thống ống dẫn tro bay ra cảng để ưu tiên cung cấp cho sà lan, tàu biển.

--------------------
* Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải:

Tro bay và xỉ đáy lò của các NMNĐ thuộc công ty đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp; hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng từ năm 2020. Từ đó, có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua tro, xỉ. Đặc biệt gần đây, khi giá cát san lấp, cát xây dựng tăng chóng mặt thì càng nhiều doanh nghiệp tranh nhau hỏi mua tro, xỉ về san lấp, làm bê tông, clinker sản xuất xi măng. Đến nay, đã có 16 đơn vị ký hợp đồng thu mua tro, xỉ từ 3 NMNĐ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Năm 2021, có gần 860.000 tấn trong số hơn 1 triệu tấn tro, xỉ phát sinh từ các NMNĐ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được tiêu thụ. Nhờ nhu cầu lớn nên chỉ còn hơn 10% lượng tro, xỉ được trữ tạm tại bãi.

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát quá mức đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp… vốn được xem là những “mỏ cát”, nay cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá cát liên tục nhảy múa khiến nhiều công trình, dự án phải đình trệ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã chọn tro, xỉ để làm vật liệu san lấp. 

* Ông Nguyễn Quang Huân, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xanh Duyên Hải DGM:

Hoạt động từ cuối năm 2020, công ty chúng tôi ký hợp đồng thu mua tro, xỉ từ NMNĐ Duyên Hải để sản xuất vật liệu xây dựng. Mỗi tháng, công ty sử dụng ít nhất 3.000m3 tro bay và 1.000m3 xỉ. Qua đó, sản xuất 1,5 triệu viên gạch không nung/tháng; 10.000 tấn vữa khô đóng bao/tháng và 90.000m3 vật liệu san lấp, sản xuất bê tông/tháng. Tro, xỉ đang cho thấy hiệu quả lớn, thay thế vật liệu xây dựng truyền thống dùng trong xây dựng và san lắp mặt bằng. Giá thành rẻ hơn, thân thiện môi trường và chất lượng tốt. Hiện chúng tôi không đủ nguồn tro, xỉ để sản xuất.

* Ông Trần Phước Lợi, Phó Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận Hòa TV:

Doanh nghiệp của chúng tôi chuyên san lấp mặt bằng các dự án. Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá cát liên tục tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, doanh nghiệp đã quyết định chuyển qua dùng tro, xỉ san lấp mặt bằng. Vừa rồi, công ty trúng đấu giá mua 1 triệu tấn tro, xỉ từ NMNĐ Duyên Hải trị giá hơn 17 tỷ đồng. Tôi đã đi khảo sát nhiều nơi, nhiều công trình cho thấy chất lượng san lấp mặt bằng từ tro, xỉ không thua kém so với cát. Hơn nữa, mỗi khối tro, xỉ san lấp giá chỉ bằng 2/3 khối cát. Theo ước tính, huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải cần tới 5-6 triệu khối vật liệu mỗi năm để san lấp mặt bằng, phục vụ nhu cầu phát triển. Tôi hy vọng thời gian tới, tro, xỉ sẽ được cho phép dùng rộng rãi trong việc san lấp làm đường giao thông, hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục