Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Biểu tượng của sự cố kết cộng đồng

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Biểu tượng của sự cố kết cộng đồng
(SGGP).- Ngày 26-12, tại TPHCM, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo TPHCM, tỉnh Phú Thọ, Khánh Hòa, cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo quản lý các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, viện trường đại học trong cả nước.
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, trao đổi với các đại biểu tại hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Ảnh: MINH AN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại các di tích thờ cúng Vua Hùng trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự trang nghiêm xứng tầm; sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy di sản, đồng thời góp phần truyền bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. 

Nhìn nhận dưới góc độ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với sự củng cố cộng đồng trước nhu cầu tồn tại và phát triển quốc gia, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự trở thành một biểu tượng quốc gia, quy tụ tất cả cộng đồng, các tộc người sinh sống trên dải đất Việt Nam ngày nay. Xa hơn nữa, vươn đến tất cả các nơi trên thế giới có người Việt sinh sống như một biểu tượng của sự cố kết cộng đồng, đoàn kết tất cả mọi người với những chính kiến khác nhau nhưng cùng nhau hướng về Đất Tổ. 

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhấn mạnh: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tụ nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn”, cơ sở của đạo lý đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau được phổ cập và thực hành như một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu trong xã hội đương đại. 

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam ta cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu, những giá trị có tính toàn cầu nổi bật của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc. 

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển phẩm chất con người và bản lĩnh văn hóa Việt Nam, góp phần bồi đắp hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó tiêu biểu nhất là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự cường dân tộc. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là điểm tựa của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành triết lý sống với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, củng cố sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam. 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung làm sáng tỏ về lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam trong kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức của người Việt và các tộc người thiểu số trên các vùng miền của Tổ quốc và của bà con Việt kiều xa quê. Đồng thời, khẳng định vai trò tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng đất nước hiện nay.


MINH AN 

Tin cùng chuyên mục