“Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội mỗi khi đói lòng”. Câu ca dao cổ xưa chẳng biết có từ bao giờ. Nhưng ta có quyền đoán nó chỉ ra đời sớm nhất sau khi chế độ mẫu hệ của người Việt chấm dứt. Nếu còn, hẳn là được ví như cơm nguội phải là “chàng” chứ không thể là “thiếp”. Chế độ mẫu hệ cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại ở một vài bộ tộc trên núi cao Tây Nguyên. Ít nhất thì nó vẫn còn trong suy nghĩ của họ cho dù luật pháp cũng như cách hành xử bên ngoài đã theo lối mới bình đẳng. Thế nhưng, cơm gạo thì vẫn còn nguyên từ thượng cổ đến giờ. Chế độ nào thì cũng phải ăn cơm.
Minh họa: P.S.
Cứ tính theo lịch sử Việt với 4.000 năm lúa nước đã được ghi dấu ấn rất rõ ràng trên công cụ đồ đồng của nền văn hóa Đông Sơn, ta có thể thấy người Việt luôn coi cơm gạo là thức ăn chính. Là nguồn lực chính để tạo dựng nên một quốc gia độc lập. Những lúc chiến tranh giặc giã, dĩ nhiên thế nước yếu đi. Hạt gạo làm ra không đủ chi dùng. Nó lại càng trở nên quý giá. Người Việt coi nó là “Ngọc thực”. Không bao giờ để lãng phí đi đâu hạt nào.
Hà Nội những năm Pháp thuộc và cả cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ trước vẫn còn nhiều gia đình duy trì được vại nước gạo để ngoài sân sau. Đến cả cái nước trắng đục vo từ hạt gạo ra người ta cũng không bỏ phí. Cùng với nó là cơm canh ăn thừa đổ lẫn bốc mùi chua váng. Vài ngày một lần lại có người đến xin thứ nước gạo ấy mang về nuôi heo, hàng tháng trả bằng mấy chiếc chổi sể quét sân, mấy chiếc giũa tre cọ nồi. Đấy là ở những gia đình khá giả. Dân nghèo thành phố sống trong các nhà tập thể và những ngôi biệt thự chia năm xẻ bảy sau hòa bình có khác đôi chút. Vẫn là vại nước gạo công cộng thôi nhưng thành phần không bao giờ có nhiều cơm nguội, chủ yếu là cuộng rau và cơm rửa nồi ngâm trong nước gạo mậu dịch. Gạo mậu dịch ngày ấy khác hẳn thứ gạo chúng ta ăn bây giờ. Vo nó trong chậu nước phải hết sức nhẹ tay lừa gạn nếu như không muốn nó biến thành nước gạo quá nhiều, chỉ tổ mập heo.
Những năm chiến tranh, cơm nguội là thức ăn chủ lực của dân phố. Khách đến chơi nhà lỡ bữa, chủ mang nồi cơm nguội ra mời, chẳng khách khí gì, chỉ cốt no bụng. Bữa sáng của trẻ con phần lớn là cơm nguội chan thìa nước mắm trước khi đến trường, thi thoảng lắm mới được nắm xôi lúa chim bằng quả ổi. Người lớn không mấy khi có được bữa sáng như vậy, chỉ nhìn trẻ con ăn mà thấy ấm lòng. Về cuối cuộc chiến tranh thì gạo cũng hiếm. Nồi cơm nguội độn mì rất khó giữ qua đêm mà không bị thiu. Cả nhà phải nằm ngủ cạnh nồi cơm độn để chiếc quạt máy duy nhất chăm sóc cho cả người và cơm.
Cơm nguội ngày ấy dù có bị thiu cũng chưa thể ra đến vại nước gạo, nó còn được phơi khô làm món khác. Các bếp ăn tập thể phơi cơm thừa, cơm cháy hàng mẹt lớn sau bữa ăn. Mùa đông về mà được đĩa cơm khô rang giòn sụm mỡ hành còn ngon hơn tất cả các loại quà bánh bấy giờ. Cơm nguội gia đình lỡ bị thiu đã có ấm tích nuôi mẻ đổ vào. Ghé tai vào ấm tích nghe “mẻ ăn cơm” mà biết được độ ngấu. Mẻ chua là gia vị không thể thiếu của rất nhiều món ăn mang phong vị đồng bằng Bắc bộ. Thịt chó, chả cá mà không có mẻ chắc chắn mùi thơm chẳng ra hồn cốt. Riêu cua, riêu cá, riêu ốc cũng cần đến mẻ để át đi mùi tanh của thủy sản. Ếch, lươn om chuối đậu không mẻ chua có thể đẩy mâu thuẫn của mẹ chồng với nàng dâu lên đến đỉnh điểm.
Thoắt cái mấy chục năm sau gạo cơm thừa mứa. Chẳng còn ai thiết tha đến chuyện “bát cơm đầy, quả cà to” nữa. Ngần ấy năm xơi nhiều tinh bột đã khiến cho rất nhiều người mắc chứng tiểu đường. Giờ hạn chế ăn cơm không phải vì hạt gạo quý giá mà vì khoa học ẩm thực.
Buổi sáng đầu đông ngồi trong quán cà phê với mấy khách quen Hà Nội hàng ngày rì rầm to nhỏ về tình hình thực phẩm nhiễm đủ các loại độc tố. Phần lớn do con người tự đưa vào vì cái lợi trước mắt. Gà ăn cám trộn vàng ô. Heo uống thuốc tăng trọng. Giá đỗ ủ bằng hóa chất. Rau muống bón thuốc “kích phọt”. Chuối ngâm thuốc diệt cỏ dioxin. Lão già ngồi cạnh mình cặp kính trễ xuống gần cái miệng cười như mếu. Bệnh viện ung thư giờ đã hết chỗ. Bệnh nhân nhiều người cuống cuồng đi xem bói và chữa bằng tâm linh, nhân điện! Mình ngỏn ngoẻn hai hàm răng thưa thớt bảo lão: “Cứ sáng ra làm bát cơm nguội chan nước mắm là an toàn cụ ạ!”. Lão cười đau đớn: “Tôi cũng chả tin vào hạt gạo và chai nước mắm bây giờ”. Kệ lão thôi, mình là ai mà đòi được hưởng những thứ đáng tin cơ chứ? Mình tin ở cơm nguội!
ĐỖ PHẤN