Tin vào ngày mai - Bài 2: Viết tiếp những giấc mơ Việt

Nhận câu hỏi khá đường đột, anh ngập ngừng rồi thẳng thắn: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, không có quá nhiều kỷ niệm về các ngày lễ trong nước. Nhưng tôi tự tin và tự hào nói rằng, với tôi, Việt Nam là Tổ quốc”.

Nâng tầm nông sản bản địa 

Chia sẻ về hành trình 5 năm khôi phục giống bắp cổ bản địa ở Lào Cai, anh cũng không biết bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ đâu, bởi khó khăn và thất bại liên tiếp. Chỉ còn cách một chút xíu nữa sẽ thành công thì đợt sâu keo ập đến, mất mùa… Anh kiên nhẫn làm lại.

Anh Hoài Tiến (người đeo kính) cùng cô Lý Mẩy Chạn trong hành trình khôi phục giống bắp cổ bản địa ở Lào Cai
Một sáng sớm, cô Lý Mẩy Chạn (người Dao Đỏ, Tả Phìn, Lào Cai), là người nông dân địa phương đồng hành với anh trong quá trình khôi phục giống bắp cổ, báo tin mừng: “Bắp năm nay được mùa lắm cháu”. Anh vội vàng viết vài dòng lên trang cá nhân, để chia sẻ niềm vui cùng bạn bè và người thân đang ở Mỹ, hàng ngày vẫn theo dõi và kết nối cùng anh qua mạng xã hội: “Hôm nay, tôi muốn kể câu chuyện về giống bản địa thông qua câu chuyện của bắp. Nhiều nhà nghiên cứu nhân văn học nhận xét rằng, nền tảng văn minh con người hiện đại dựa trên nền tảng nông nghiệp. Thế suy ra thì giống cây bản địa là tài sản quý giá của loài người. Không có giống thì không chỉ thiếu lương thực, mà còn thiếu sự phong phú trong văn hóa đời sống con người. Thông qua lương thực, chúng ta có thể tìm hiểu về đời sống, lịch sử và văn hóa của bất cứ nơi nào”.

Phía dưới bài viết của anh, cô Lý Mẩy Chạn chia sẻ thêm: “Tiến ơi, mọi người thích bắp nếp địa phương. Tiến tìm thị trường là cô cháu mình vận động bà con trồng nhỉ”. Và, anh cũng vui không kém, bởi với anh, không chỉ là câu chuyện cây bắp mà còn là xây dựng nông sản bản địa thành thương hiệu quốc gia: “Có khá nhiều người ủng hộ cô ơi nên ta cứ tiếp đi cô nhé. Đây còn là câu chuyện các cây thuốc bản địa của người Dao...”.

Là một trong 10 kiều bào được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư và trao quà vào dịp Tết Tân Sửu 2021, hành trình trở về Việt Nam của anh Daniel Nguyễn Hoài Tiến (33 tuổi) không chỉ là câu chuyện cội nguồn, mà đó là khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia từ những giống nông sản bản địa chất lượng. Tham gia những dự án phát triển bền vững khu vực ĐBSCL từ năm 2012, sau đó lên Tây Nguyên và ngược ra Tây Bắc…, anh Hoài Tiến được người dân địa phương cảm mến bởi một người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng cuốc đất, đi rẫy thuần thục như nông dân địa phương. Tôi lớn lên ở nước ngoài, nhưng cô giáo Việt Nam của tôi luôn dạy cho tôi về ý nghĩa của cái tên Hoài Tiến. Gia đình tôi vẫn đang sống ở Mỹ, còn tôi muốn hành trình tuổi trẻ của mình đóng góp cho nông sản Việt được vươn tầm”, anh Hoài Tiến chia sẻ.

Từ việc dành mấy tuần liền đọc lại từng dự án về giống cây ở các viện nghiên cứu nông nghiệp, đến ròng rã hàng tháng trời gõ cửa nhà dân ở vùng Tủa Chùa (Điện Biên) xin từng nắm hạt bắp về cấy ghép và thử nghiệm, anh đều không quản ngại. Anh lý giải: “Nếu chỉ phát triển nông sản về mặt sản lượng và sản xuất nguyên liệu thô, điều này không thể làm nên thương hiệu quốc gia được. Tôi thấy nhiều giống cây bản địa có giá trị, nhưng đang bị mất đi nguồn gene rất nhanh. Vì vậy, tôi cố gắng khôi phục nhanh nhất có thể. Nếu chạy theo giống lai, người nông dân sẽ chịu sự chi phối nguồn giống nhập từ bên ngoài, cái đặc trưng và bản địa không còn và không có chỗ để phát huy. Bảo tồn được nguồn gene nguyên bản sẽ là khởi đầu để phát triển những sản phẩm từ nông nghiệp đặc biệt mang thương hiệu Việt Nam mà những nơi khác không có, hoặc rất khó để so sánh”.

“Cũng giống như câu chuyện văn hóa, việc giữ một bản sắc Việt Nam trong môi trường hội nhập quốc tế là việc quan trọng. Khi chúng ta nắm rõ nền tảng văn hóa của mình thì ta sẽ hiểu hơn và tự tin về bản thân mình để còn tương tác với các nước và các nền văn hóa khác”, anh Daniel Nguyễn Hoài Tiến bày tỏ.

Góp một tiếng nói vì môi trường Việt Nam

Tại Diễn đàn Môi trường thanh niên Đông Nam Á ở Singapore (2018), hay khi là một trong 4 gương mặt trẻ của Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Thái Lan (2019), cô gái trẻ Võ Nguyễn Minh Thùy (24 tuổi, TP Cần Thơ) luôn tự tin chọn cho mình chiếc áo dài. Minh Thùy nói: “Tôi luôn cố gắng để các bạn nhớ về việc tôi đến từ quốc gia nào, chính vì vậy trong buổi giao lưu của các chương trình, tôi hay chọn mặc áo dài truyền thống. Tôi thường chủ động chia sẻ với các bạn về Việt Nam và đặc biệt giải đáp các thắc mắc của các bạn về đất nước mình. Ngoài ra, nếu trong các cuộc thảo luận có những ý kiến nào về Việt Nam mà không hợp lý, tôi cũng sẽ lên tiếng đính chính và luôn có chính kiến của bản thân.

Trong hành trình tuổi trẻ, người ta có thể chọn cho mình nhiều cách để rực rỡ, Minh Thùy hướng những công việc của mình liên quan đến các hoạt động vì môi trường. Học chuyên ngành ngôn ngữ Anh, ngoại ngữ là thế mạnh để cô gái trẻ tham dự các diễn đàn về môi trường quốc tế và kết nối những dự án về Việt Nam. Hiện Minh Thùy đảm nhận vai trò tư vấn viên cho Litter Trap, dự án thuộc CLEARRIVERS (một tổ chức phi chính phủ tại Hà Lan). Dự án tìm ra hướng tiếp cận bền vững và hiệu quả đối với rác thải nhựa được thu vớt từ dòng sông Hậu nói riêng và rác thải nhựa của thành phố nói chung.

Cũng được tài trợ bởi Đại sứ quán Hà Lan, tại Cần Thơ, Minh Thùy kết nối, lên ý tưởng và viết kế hoạch dự án Nghiên cứu giải pháp xử lý rác thải trên sông bền vững. Khá tương đồng với hoạt động của CLEARRIVERS, nhưng dự án này tập trung nghiên cứu các loại rác, thay vì chỉ rác thải nhựa, để xác định thành phần các loại rác này, sau đó sẽ dùng hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn để thiết kế một chuỗi giải pháp tái chế và xử lý các loại rác này một cách hiệu quả nhất.

Đến với các dự án vì môi trường khi tham gia chương trình YSEALI SEACamp ở Bohol, Philippines, Minh Thùy tình cờ nhận ra những rặng san hô ở một số vùng biển Việt Nam đã bị tẩy trắng. “Tôi tìm hiểu thêm về nguyên nhân, các loại ô nhiễm…, rồi từ từ bị cuốn vào các vấn đề và thôi thúc mình phải làm gì đó. Trong chương trình, tôi được nhận tài trợ để chạy dự án, và thế là dự án thứ nhất, rồi thứ hai, hết dự án này đến dự án khác lại nối tiếp đến như một lực hấp dẫn. Tôi luôn nghĩ lớp trẻ chính là thế hệ kế thừa và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước. Môi trường ô nhiễm, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhiều, nhưng tôi tin, bằng chính nỗ lực của mỗi người, chúng ta sẽ tìm lại được một “môi trường trong sạch” như lời cha ông kể lại”, Minh Thùy chia sẻ.

Trên những chặng đường của hành trình tuổi trẻ, có lẽ sẽ quá khắt khe khi bắt người trẻ phải nhớ thật tận tường về số liệu, dữ kiện ngày tháng năm thật chi tiết trong sử sách… Niềm tự hào và nhiệt huyết tuổi xuân, dù sinh và lớn lên ở đất nước hình chữ S như Minh Thùy, hay hành trình trở về như anh Hoài Tiến, họ đều không nói quá nhiều về quá khứ, nhưng niềm tự hào dân tộc, viết tiếp những giấc mơ vươn cao Việt Nam, vẫn đang được họ ngày đêm nỗ lực thực hiện. 

“Tôi có một thói quen là mỗi khi về quê thăm ông bà, sẽ ngồi nghe ông kể về những chuyện đã xảy ra hồi trước. Tôi luôn có một lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ đi trước để có được cuộc sống yên bình hôm nay. Thế hệ chúng ta đã quá may mắn, nên hãy tự đặt cho bản thân một sứ mệnh xây dựng phát triển đất nước, để bạn bè quốc tế khi nhắc đến Việt Nam là không chỉ biết qua chiến tranh, mà sẽ nhắc nhớ về những điều tốt đẹp, như thanh niên Việt Nam hành động về môi trường, hay kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển…”, Minh Thùy chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục