
86 mùa xuân của một nhà thơ - suốt đời làm thơ, nhà thơ Huy Cận không chỉ làm bất ngờ mọi người ở cái hồn thơ, tình thơ, mà điều đặc biệt nữa là thời kỳ, lĩnh vực nào ông cũng có thơ hay. Thơ hay thực sự, được ngưỡng mộ!
Từ ngậm ngùi ngắm cảnh tĩnh: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu”…đến mông lung cảnh động: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, Huy Cận đi tìm sự thật từ đấng thần linh nơi “Các vị La Hán chùa Tây Phương”… Và ông đã gặïp bình minh từ hoàng hôn nơi cửa biển, chân trời: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa. Sóng đã cài then đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Câu hát căng buồm cùng gió khơi”… Đến với biển cả ông tìm được sự sống lung linh: “...Cái đuôi em quẫy sao vàng chóe. Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”. Ông vui cùng con trẻ trong tập thơ “Hai bàn tay em”.

Nhà thơ Huy Cận (trái) và nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh: T.L.
“Từ thung lũng buồn, đến những cánh đồng vui” (lời Chế Lan Viên), cùng với các nhà thơ yêu nước, thương dân, Huy Cận về với nhân dân và thể hiện hơn tài thơ thiên bẩm. Trong cái buồn chung của người dân mất nước, nô lệ, nhà thơ Huy Cận có nỗi buồn lớn, lan tỏa vũ trụ, nỗi buồn hóa đá cả mây trời. Và hình như điều đó đã biến thành phong cách thơ Huy Cận sau này. Ông tạc vào đất trời, lòng người những hình tượng thơ tráng ca, anh hùng ca cách mạng...
Thế hệ ngày nay vẫn có ảnh hưởng lớn từ thơ trữ tình tiền chiến, trong đó có thơ Huy Cận. Điều thú vị là ở mỗi nhà thơ thời ấy, “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” (Nguyễn Du). Ở họ đều tạo sự bất ngờ. Bất ngờ Huy Cận là từ một kỹ sư Canh Nông, lại làm thơ hay và theo Nàng Thơ suốt cuộc đời. Nếu ai được gặp ông sẽ không ngờ một người vừa lùn, mập, cởi mở, ăn uống như nông dân, giọng nói khô như ngói, sỏi… lại có thể làm nên những câu thơ lục bát hàn lâm, kiêu sa, long lanh, duyên dáng… được xếp vào loại hay nhất thơ Việt Nam.
Nhà thơ Huy Cận thành công trong nhiều thể loại thơ, cả thơ lục bát và thơ tự do. Và nhờ sống hết mình với thời đại, cộng với tài thơ, giai đoạn nào của Cách mạng Việt Nam, ông cũng có những bài thơ đỉnh cao. Ngậm ngùi, Các vị La Hán chùa Tây Phương, Đoàn thuyền đánh cá, Lúa, Ngã ba Đồng Lộc,… và hàng trăm bài thơ khác, có nhiều thơ thiếu nhi của ông phải được xếp vào hàng những bài thơ hay nhất của Thơ Mới, thơ Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Nhà thơ Huy Cận là một người nhiều bạn. Ngoài người bạn kết nghĩa anh em tạo nên tình thơ văn đẹp trong đời sống văn chương Việt Nam hiện đại là Xuân Diệu- Huy Cận, ông có bạn ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Ông họa thơ với Nữ sĩ Mộng Tuyết (vợ của thi sĩ Đông Hồ) ở Hà Tiên; với Minh Huệ, Trần Hữu Thung ở Nghệ An; với Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Hoàng Phủ Ngọc Tường… ở Huế; với Thanh Quế, Ngân Vịnh… ở Đà Nẵng; Giang Nam ở Nha Trang; họa thơ với Giáo sư Mai Quốc Liên, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, Mai Văn Tạo… ở TPHCM; họa thơ với Giáo sư-nhạc sĩ Trần Văn Khê ở Paris (Pháp)… Ông có thơ , họa thơ với bạn già, bạn trẻ, với chàng trai làng Ân Phú quê ông, với cô gái Trung Hoa, với trẻ chăn trâu và… với cả người xưa đà khuất bóng…
Những năm trước, có dịp vào TPHCM, ông đều đến báo SGGP. Nhà báo Cao Xuân Phách, nhà thơ Dương Trọng Dật, nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… những người làm báo rất xem trọng trí thức văn nghệ sĩ và thường xuyên mời cộng tác. Điều đó làm cho tờ báo Đảng TPHCM uy tín thêm. Báo Xuân Ất Dậu 2005 vẫn có thơ Huy Cận. Có lần BBT báo SGGP mời ông ăn cơm trưa. Ông gợi ý chọn một quán ăn “nên thơ”…Ngô Ngọc Ngũ Long, Bạch Tuyết, Việt Hà, An Dung, Kim Ửng… mời ông đến quán của nghệ sĩ Kim Cương. Ông vừa ăn ngon miệng vừa có thơ tặng “ kỳ nữ Sài thành” (lời Huy Cận), khiến ai cũng thấy gần gũi, ân tình.
Ông bình dị hồn nhiên và thơ ông tự nhiên như sóng trào suối chảy. Khi đưa ông xuống cầu thang (người lớn tuổi, bị bệnh cao huyết áp, xuống cầu thang nguy hiểm), Anh Phách , anh Dật dặn dò và nói: “Nhà thơ Huy Cận là tài sản quốc gia”, làm nhà thơ Huy Cận… bất ngờ thích thú. Sau này, được gặp ông trong cuộc họp cộng tác viên ở thủ đô Hà Nội, ông cứ nhắc mãi câu nói đó.
Nhà thơ Huy Cận hẳn vui mừng vì sự đánh giá trân trọng của thế hệ trẻ, của công chúng! Chúng tôi nhớ ông và cứ nghĩ, một người như ông - ăn vui, làm thơ khỏe, nhiều duyên thầm (lời Huy Cận) ở tuổi 80 còn làm thơ tình nồng ấm như thế… chưa thể ra đi ở tuổi 86 xuân thì… Ấy mà…
LƯU XÁ