Trước sân ngôi nhà quét sơn màu trắng có lá cờ Bỉ bay cao, một người đàn ông da đen mặc quần đùi áo thun sọc đang bị siết cổ bằng sợi dây xích sắt. Gần đó, một người đàn ông da đen khác đang nằm úp mặt xuống đất, quần kéo xuống để lộ những vết thương tứa máu ở mông. Bên cạnh nạn nhân là một người da đen mặc đồng phục cảnh sát, giơ roi cao quá đầu. Người này có ánh nhìn lén lút với “sếp” là người da trắng trong bộ đồng phục màu trắng và chiếc nón cối trên đầu... Đó là cảnh tượng từ một trong những bức tranh tham gia cuộc triển lãm “53 Echoes of Zaire” tại phòng trưng bày Sulger-Buel-Lovell ở London (Anh quốc). Bức tranh có tên “Congo Belge II” được vẽ vào những năm 1970, mô tả một giai đoạn lịch sử của Cộng hòa Dân chủ Congo vốn là thuộc địa cũ của Bỉ.
Người dân Congo chịu nhiều đau khổ dưới bàn tay cai trị của thực dân Bỉ.
Họa sĩ T. Kalema, một thành viên của nhóm có tên gọi “Phong trào Lumumbashi”, nơi quy tụ những họa sĩ sống và làm việc ở thành phố Lumumbashi cho biết, tác phẩm của các họa sĩ tham gia phong trào này ghi lại giai đoạn lịch sử đầy biến động của Congo dưới ách đô hộ của thực dân Bỉ. Các họa sĩ thuộc “Phong trào Lumumbashi” đã sáng tác ra những tác phẩm tố cáo nạn buôn bán nô lệ ở Congo thế kỷ 16 - 17, thông qua việc phản ánh sự tàn bạo của chế độ thực dân Bỉ, cũng như phong trào đấu tranh của người dân đương thời như: Thợ mỏ đình công, đòi độc lập ly khai ở Katanga và niềm hy vọng trong phong trào đấu tranh đòi độc lập của người dân Congo… “Nhóm Lumumbashi không tạo ra những tác phẩm dễ dãi chỉ để bán cho khách du lịch hoặc người ngoại quốc, mà họ quan niệm làm nghệ thuật vì người dân”, một họa sĩ cho biết.
Triển lãm “53 Echoes of Zaire” diễn ra từ ngày 27-5 và đóng cửa vào ngày 30-6, ngày Congo giành độc lập từ Bỉ cách đây 55 năm (30-6-1960). Có thể nói, với những gì để lại, nhóm các họa sĩ thuộc “Phong trào Lumumbashi” xứng đáng có vị trí trong lịch sử hội họa dân tộc Congo và cả trên bình diện hội họa quốc tế.
NGUYỄN QUY HƯNG