Tọa đàm trực tuyến “Bầu cử - Ngày hội toàn dân” - Tất cả ứng cử viên đều đáp ứng tiêu chuẩn

* Hôm nay 25-4, khai mạc phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

* Hôm nay 25-4, khai mạc phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 24-4, cuộc tọa đàm về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham gia ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện của Ủy ban bầu cử một số tỉnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Theo công bố của ông Nguyễn Văn Pha tại buổi tạo đàm, sau hiệp thương vòng ba, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chọn ra 832/1.085 người ứng cử ĐBQH để đưa vào danh sách bầu cử chính thức với số dư bầu cử đạt khoảng 1,66 lần.

Ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, số dư này ở mức phù hợp khi so sánh với các khóa trước (khóa XII là 1,76 lần, khóa XI là 1,52 lần). Trong số 832 ứng cử viên, có 182 người ở trung ương và 650 ở địa phương. Tỷ lệ ứng viên nữ đạt trên 31,37%, ứng viên dân tộc thiểu số là 16,11%, ứng viên ngoài Đảng đạt 14,18%, ứng viên là đại biểu tái ứng cử 21,99%, ứng viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt gần 22%.

Có 15/83 người tự ứng cử đã lọt vào danh sách bầu cử chính thức, thấp hơn so với khóa XII (30 người). Tuy nhiên, khóa XII có 238 người tự ứng cử được lập danh sách sơ bộ sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 còn 30 người. Đối với khóa XIII này, cả nước chỉ có 83 người tự ứng cử sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 thì còn 15 người. Đối với chất lượng người tự ứng cử khóa XIII, ông Pha đánh giá là “cao hơn nhiều” so với khóa trước. Về cơ bản, số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu đáp ứng được tiêu chí như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn về việc phân bổ đại biểu về các tổ bầu cử. Liệu có tình trạng “đệm lót”, “quân xanh, quân đỏ” hay không? Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, tất cả ứng cử viên được lựa chọn vào danh sách chính thức là những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề ra.

“Cơ quan quyền lực cao nhất có tính đại diện với các cơ cấu, thành phần nhất định. Do đó, cũng có những người được giới thiệu cho những cơ cấu định hướng trước. Nhưng tôi khẳng định, dù ai trúng cử thì cũng đủ điều kiện là đại biểu đại diện cho nhân dân”, ông Nguyễn Văn Pha nói.

Liên quan đến những câu hỏi về việc làm thế nào để cử tri có thể lựa chọn người đại diện cho mình một cách phù hợp nhất, vì thực tế cử tri không thể nắm hết thông tin về ứng cử viên, nhất là những người do trung ương giới thiệu về.

Theo ông Nguyễn Văn Pha luật pháp quy định, việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức. Những cơ quan này chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân trong việc lựa chọn người ứng cử. “Xin cử tri hãy yên tâm về sự lựa chọn, giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức”, ông Nguyễn Văn Pha nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình tuyên truyền trước bầu cử, cử tri đều được nghe rất kỹ về tiểu sử, quá trình công tác, cống hiến của ứng viên. Đó là điều kiện cơ bản để cử tri xem xét, bầu chọn người nào đó vào cơ quan quyền lực của nhà nước.

Lâm Nguyên


  • Hôm nay 25-4, khai mạc phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ khai mạc hôm nay 25-4 và diễn ra cho đến hết ngày 27-4. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIII. Hội đồng bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ báo cáo về tình hình chuẩn bị bầu cử để UBTVQH thảo luận, cho ý kiến.

UBTVQH còn xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2010; đề xuất thành lập thêm 4 đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, 1 đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và giao chỉ tiêu biên chế năm 2011, 2012 cho Kiểm toán Nhà nước; cử thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao…

A.Thư

Tin cùng chuyên mục