Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…
ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có hơn 735 km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ... Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà hiếm vùng đất nào có được. Chính những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa sông nước, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù.
Thực tế cho thấy, ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng, để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng với nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh... Những năm qua, du lịch ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác truyền thông, quảng bá, hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các khu di tích lịch sử nổi tiếng, điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Sau đại dịch Covid-19, du lịch ĐBSCL đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Ước tính năm 2023, tổng số khách đến “vùng đất chín rồng” đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 ngàn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022.
ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch biển đảo... Con người nơi đây hào sảng, nghĩa tình, mến khách, và đây còn là điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” đối với du khách gần xa. Tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.