Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý uy tín, năm 2010 kinh tế TPHCM đã phục hồi và tăng trưởng khá. Các biện pháp tăng cường kiểm soát giá cả trong thời gian qua đã mang lại một số kết quả khả quan, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TPHCM đạt 418.068 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, vượt 18% so với chỉ tiêu HĐNDTP đề ra. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm 53,6% GDP, tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 10%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 45,3% GDP, tăng 11,5% (cùng kỳ tăng 7,3%); khu vực nông nghiệp chiếm 1,1% GDP, tăng 5% (cùng kỳ tăng 2,1%).
Thị trường tài chính tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhìn nhận một cách khách quan, mặc dù kinh tế thành phố đã phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP trong những năm qua tuy có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng thấp, nhiều sản phẩm có mức tiêu hao năng lượng lớn, không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn tạo ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, trong thời gian qua, việc cung ứng điện không chỉ thiếu mà còn mất ổn định đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của hàng triệu người dân trên địa bàn TP.
Từ những hạn chế, yếu kém đó, vấn đề phát triển kinh tế TPHCM trong năm 2011 đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết. Một trong những nhiệm vụ chủ chốt được lãnh đạo TPHCM xác định rõ là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trước tiên, TPHCM tiếp tục triển khai tái cấu trúc các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành, của từng doanh nghiệp và từng sản phẩm cụ thể. Đặc biệt nhanh chóng chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng như hiện nay sang chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng làm động lực chủ yếu. Đồng thời khai thác và phát huy lợi thế của các ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao để tạo đà tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.
Mặt khác, TPHCM cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu giàu tiềm năng vốn là thế mạnh của thành phố trong nhiều năm qua. Trong đó, tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành thương mại quốc tế, tài chính, tín dụng ngân hàng; dịch vụ cảng - kho bãi, dịch vụ du lịch, thị trường công nghệ và thị trường bất động sản. Đồng thời, phát triển mạnh 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn như ngành cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm. Trong đó, cần lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm công nghiệp như: công nghiệp chế biến sản phẩm cao cấp công nghệ cao, công nghiệp thời trang, các công đoạn thiết kế, tiếp thị, phân phối và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Năm 2011 mở ra với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế TPHCM nói riêng. Với nhiều lợi thế về vị trí, tiềm năng, nếu sớm thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc kinh tế, chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, kinh tế TPHCM trong năm 2011 và những năm sắp tới hứa hẹn nhiều bước phát triển mang tính đột phá. Trong đó, mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12%, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng của TPHCM là hoàn toàn có thể đạt được.
Tô Đình Tuân