Tội phạm tham nhũng đã được xét xử nhiều hơn

Theo đánh giá của Bộ Công an, các vụ tham nhũng phát hiện được đã gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Ngày 9-11, trao đổi với SGGP và một số phóng viên khác, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho rằng số vụ tham nhũng đã được xét xử nhiều hơn.
Tội phạm tham nhũng đã được xét xử nhiều hơn

Theo đánh giá của Bộ Công an, các vụ tham nhũng phát hiện được đã gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Ngày 9-11, trao đổi với SGGP và một số phóng viên khác, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho rằng số vụ tham nhũng đã được xét xử nhiều hơn.

- PV: Đánh giá của ông về tội phạm tham nhũng hiện nay?

- Ông LÊ THẾ TIỆM:
Tội phạm tham nhũng là vấn đề lớn. Cách đây 10 năm Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 15, Thủ tướng có Quyết định 114 tăng cường chỉ đạo các lực lượng. Những năm qua chúng ta đã điều tra và đưa ra xét xử những vụ rất nghiêm trọng, xử lý rất nghiêm, nhiều đối tượng đã lĩnh mức án tử hình. Qua đó, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Tội phạm tham nhũng đã được xét xử nhiều hơn ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm.

Quá trình chuyển đổi cơ chế có nhiều phức tạp, nhất là trong quản lý, chính sách về kinh tế có những sơ hở, khiến tội phạm tham nhũng lợi dụng để bòn vét tài sản Nhà nước và nhân dân. Tham nhũng là một trong 4 nguy cơ mà Đảng ta đã xác định, nên phải thấy đây là vấn đề không thể xem thường.

- Trong diễn đàn Quốc hội vừa rồi, báo cáo của ngành tòa án đưa ra là năm 2003 đã xét xử 9 vụ án đưa và nhận hối lộ. Trong khi đó số vụ mà Cơ quan điều tra đưa ra đề nghị truy tố cao hơn rất nhiều. Ông giải thích thế nào về sự vênh nhau này?

- Tôi cho rằng các hành vi khác liên quan đến tội phạm tham nhũng đã xét xử nhiều hơn. Riêng hối lộ là vấn đề rất khó xử, nhất là người đưa hối lộ thì khai, nhưng người nhận hối lộ không thừa nhận. Thường các vụ đưa, nhận hối lộ chỉ có 2 người. Có những vụ chúng tôi phải chỉ đạo dừng lại vì qua đấu tranh đối tượng vẫn không nhận. Điều tra loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn về chứng cứ.

- Ở phần 2 vụ Lã Thị Kim Oanh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản nêu quan điểm thống nhất của 3 ngành nội chính là không đủ căn cứ xử lý hình sự các đơn vị liên quan. Nhưng vẫn còn có ý kiến khác.

- Theo tôi vụ án này sắp tới các ngành sẽ còn bàn tiếp. Đúng là có ý kiến, quan điểm khác nhau, và vẫn thường có chuyện đó, chứ không phải do tiêu cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng nói phần 2 của vụ án cũng không hoàn toàn chính xác. Lã Thị Kim Oanh là đối tượng chính, đã lĩnh án tử hình về tội tham ô là cũng ghê gớm lắm rồi.... Còn chuyện những đơn vị, cá nhân khác như cấp đất không đúng, cho vay không đúng... phải tiếp tục điều tra để làm rõ thêm. Sắp tới Ban Nội chính Trung ương và 3 ngành sẽ xem lại chứng cứ để khởi tố và đưa ra xét xử.

- Trong báo cáo của Chính phủ có nói một số vụ tham nhũng phát hiện nhưng để kéo dài hoặc xử lý không nghiêm minh. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do quan điểm xử lý khác nhau, có thể cơ quan điều tra cho thế là đúng, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án lại thấy chưa chắc, vì đây chỉ là một lời khai, trong khi chưa có chứng cứ khác.

Thứ hai là chứng cứ giữa người đưa và nhận không khớp, nên rất khó khăn. Vậy nên nghe đối tượng hay nghe cán bộ cũng phải cân nhắc.

- Theo ông, số vụ tham nhũng, hối lộ phát hiện được chiếm tỷ lệ như thế nào so với diễn biến trong thực tế?

- Chắc là còn xa so với thực tế. Và đó là một thách thức mà ta phải phấn đấu tìm mọi cách để nâng cao tỷ lệ này.

- Vậy làm thế nào để khắc phục được những khó khăn trong việc đấu tranh với tội đưa nhận hối lộ?

- Tôi cho rằng trong các loại tội phạm thì tội phạm này ta phải đặt vấn đề đúng mức. Các cơ quan pháp luật phải tập trung đấu tranh quyết liệt để tạo thế trận phòng ngừa. Theo tôi, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải lấy đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu làm thế nào để người đưa hối lộ tố giác mà không phạm tội hoặc được giảm nhẹ tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng cần tính đến biện pháp trừng trị những người bày mưu tính kế bẫy người khác.

- Xin cảm ơn ông. 

NAM QUỐC
 

Tin cùng chuyên mục