Tôn tạo giá trị Kinh thành Huế

“Người ta đến với Huế, đi trên Thượng Thành không chỉ ngắm, tìm hiểu thành tựu kiến trúc bề thế, uy nghi của Kinh thành xưa, mà còn nhìn thấy một Huế mới lạ, song song với bảo tồn và phát triển theo cách riêng biệt, không thể nhầm lẫn” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ về việc khôi phục giá trị di sản Huế tiếp theo Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế.
Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.
Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.

Phát lộ 2 cổng vòm tuyệt đẹp 

Dọc theo đường Xuân 68 (TP Huế), Thượng Thành thuộc Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế dài hơn 3km, từ cửa Thượng Tứ đến cầu Lương Y, người dân đã tự nguyện di dời nhà cửa về khu tái định cư Bắc Hương Sơ. Trên diện tích hơn 43ha ngổn ngang xà bần, vật dụng gia đình, cây cối sau giải tỏa được lực lượng xung kích thu dọn để quân đội rà phá bom mìn.

Quá trình san ủi mặt bằng tại Thượng Thành làm xuất lộ 2 cổng thành xây bằng gạch vồ nằm 2 bên Đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà. 2 chiếc cổng nhỏ xuyên thành nằm cách nhau vài trăm mét, cao khoảng 7 tấc, rộng khoảng 6 tấc theo hình thức cổng vòm tuyệt đẹp, với 7 lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Qua cổng ra ngoài thành là đường phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và hào Hộ Thành, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) vài chục bước chân.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết đây là cửa bên phải và cửa bên trái của Đông thành Thủy Quan. Nằm trong hệ thống Kinh thành Huế, 2 công trình này là nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy Quan từng được ghi chép trong sử sách triều Nguyễn, cũng như tài liệu của người Pháp. Phòng Nghiên cứu Khoa học của Trung tâm tiếp tục khảo sát lại hệ thống Thượng Thành để hệ thống hóa tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên Thượng Thành.

“Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu, xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng Thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng Thành. Đồng thời, tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống sông Ngự Hà và di sản Kinh thành Huế” - ông Võ Lê Nhật cho biết.

Phát huy giá trị di sản

Kinh thành Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng (1805-1833). Đây là quần thể di tích có giá trị lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là một trong những kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, cần được bảo tồn, tôn tạo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, văn hóa. Thế nhưng, nhiều năm qua Kinh thành Huế ngoài việc xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, còn bị tác động, làm hư hại bởi chiến tranh và yếu tố con người. Đặc biệt, khu vực I di tích Kinh thành Huế có rất đông người từ các vùng khác đến sinh sống, khiến di tích bị xâm phạm nghiêm trọng. 

Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế, cho biết: “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế quy mô 4.201 hộ, với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 1 (2019-2021) có 2.950 hộ dân được di dời ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (2022-2025), di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP Huế. Địa phương đang nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án để hoàn thành công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm ổn định đời sống người dân diện di dời”.

TS. Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, cho rằng: “Giữ truyền thống và thổi hồn cho di sản sẽ đem lại sức sống đặc trưng cho khu vực Thượng Thành, vốn là cấu phần quan trọng của Kinh thành Huế. Và cũng đã đến lúc phải thực hiện chủ trương xã hội hóa trong nghiên cứu, trùng tu và phát huy giá trị di tích gắn liền du lịch trong vai trò là xây dựng những không gian, những điểm đến đặc hữu Huế. “Trong quy hoạch tổng thể Thượng Thành, có những phân khúc cụ thể để tái hiện những dấu ấn lịch sử và trước mắt, tái tạo cảnh quan, đặc biệt là thảm cây xanh, hoa và rau quả, những lối đi thuần sinh thái dành cho xe điện, xe đạp, người đi bộ... sẽ là những hình ảnh đặc chất Huế, làm tiền đề cho việc tái tạo những công trình cụ thể đặc trưng” - TS. Hằng hiến kế.

Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND TP Huế và các doanh nghiệp sẽ là “tam giác vàng” gắn kết mọi nguồn lực để biến di sản Thượng Thành thành những không gian, điểm đến đích thực hấp dẫn. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, cho rằng phát triển kinh tế, du lịch Kinh thành Huế là vấn đề lớn, cần tiếp tục được nghiên cứu. Sắp tới, địa phương sẽ mời các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cùng chung tay phát huy giá trị di sản, tạo thành điểm đến, thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn của Huế.

Tin cùng chuyên mục