Chợt lắng xuống rồi chợt bùng phát theo cách không thể kiểm soát được, tình trạng bạo lực trên sân bóng, những điều tiếng từ đội ngũ trọng tài và cách xử phạt có phần khó hiểu của giới chức bóng đá đang khiến sân chơi V-League trở nên hỗn loạn. Hay nói thẳng ra, V-League đang hứng chịu áp lực kinh khủng từ chính người trong nhà, từ chính những sản phẩm mình tạo ra.
Kết thúc lượt đi, V-League lâm vào tình cảnh bi đát, mới thấy rằng hệ thống điều hành từ cấp cao nhất (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF) đến cấp thấp nhất (câu lạc bộ) đang có vấn đề. Do vậy, khả năng kiểm soát, những nỗ lực đưa tình hình trở lại lộ trình phát triển đúng mực của giới chức bóng đá cũng bị “đóng băng”. Chẳng ai lại muốn sự hỗn loạn này kéo dài, vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu bóng đá Việt Nam. Nhưng rõ ràng, dù lường trước được sự việc có thể xảy đến theo chiều hướng tiêu cực, người ta cũng không ngăn chặn nổi ở giới hạn cho phép bằng chính những luật lệ của mình.
Chỉ tính chừng vài vòng đấu trở lại đây, đã xảy ra hàng loạt vấn đề về trọng tài. VFF liên tục yêu cầu các “vua sân cỏ” phải mạnh tay hơn nữa để đối phó với bạo lực sân cỏ, với những hành động vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp. VFF đương nhiên hy vọng rằng với các biện pháp mang tính răn đe ấy sẽ góp phần làm giảm đi sự căng thẳng ở mỗi vụ việc. Tuy nhiên, sự cương quyết và đôi khi cứng nhắc của đội ngũ trọng tài lại tạo nên những phản ứng ngược từ các đội bóng, cầu thủ.
Mới đây thôi, Becamex Bình Dương và SHB Đà Nẵng phàn nàn về cách điều hành của tổ trọng tài cùng trên sân Cao Lãnh của Cao su Đồng Tháp. Các HLV cho rằng “vua sân cỏ” cố tình thiên vị cho đội chủ nhà, ép uổng họ đến mức bị ức chế và không thể chơi bóng với tâm lý thoải mái được. Rồi cả hai đội bóng đang nằm trong nhóm dẫn đầu V-League cũng chấp nhận thua trận, nhưng sự bức xúc và lời phàn nàn sẽ còn âm ỉ mãi.
Chẳng ai muốn cương với trọng tài, vì phần thiệt luôn thuộc về đội bóng. VFF xử đội bóng, xử cầu thủ và khán giả luôn rất thẳng tay, còn xử trọng tài sai phạm thì vo vào “chuyện trong nhà”, xử lý nội bộ là đủ. Lâu nay, Hội đồng trọng tài quốc gia luôn kêu gọi dư luận, giới truyền thông cảm thông cho tình trạng thiếu hụt trọng tài giỏi, đào tạo đội ngũ này không đủ phục vụ cho nhu cầu sử dụng. Nhưng sự chờ đợi của nhiều người chỉ có giới hạn, không ai muốn trước mỗi mùa bóng hoặc lúc đụng chuyện, hội đồng lại đi tìm sự đồng cảm từ khắp mọi phía và tiếp tục nghe điệp khúc “sẽ khắc phục dần”.
Thực ra, vấn đề trọng tài chỉ là một trong số những yếu tố đang tạo nên sự hỗn loạn của V-League. Bản thân các cầu thủ, các HLV - hai trong nhiều đối tượng làm nên sân chơi V-League cũng nên xem lại chính mình, chấn chỉnh lại những suy nghĩ, hành vi đôi khi chưa đúng mực.
Hình ảnh đội trưởng Huỳnh Quang Thanh (Becamex Bình Dương) sau khi phản ứng thái quá với trọng tài liền kêu gọi đồng đội bỏ trận đấu với CS.Đồng Tháp ở vòng đấu thứ 12 đáng nhận án phạt nặng, nên dù có phàn nàn thì rốt cuộc Quang Thanh cũng phải chấp nhận bị treo giò 3 trận. Tiền đạo Hoàng Đình Tùng (LS.Thanh Hóa) bị cấm thi đấu 2 trận vì lỗi đánh nguội trong trận gặp M.Nam Định, hay hành động giơ “ngón tay thối” của trung vệ Hải Lâm (SHB Đà Nẵng) mới đây bị cấm thi đấu 4 trận… chung quy cũng đưa đến một thực tế rằng, các cầu thủ cũng đang mất phương hướng trong suy nghĩ và hành động, nhưng không được uốn nắn kịp thời từ lãnh đạo đội bóng, từ các HLV.
Người ta nghĩ rằng hình ảnh giơ “ngón tay thối” về phía đối phương, những tiểu xảo và chơi xấu trên sân nếu không được nghiêm trị, chúng sẽ khiến nhiều trận đấu nữa đổ vỡ, khiến niềm tin của người hâm mộ xuống đến mức thấp nhất và đặc biệt sẽ khiến kỷ cương của sân chơi bị coi thường…
LÊ QUANG