TPHCM bảo vệ sức khoẻ người dân, “sức khoẻ” doanh nghiệp

Quan điểm của TPHCM trong Chỉ thị 18 là một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt cũng quan tâm bảo vệ “sức khỏe” của kinh tế, trong đó có “sức khỏe” của doanh nghiệp. TPHCM xem bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ “sức khỏe” doanh nghiệp, kinh tế là hai mặt trận của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19
Sáng 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước tham dự tại điểm cầu Hà Nội.
Tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV, ĐBQH khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Kiến nghị dùng nguồn nợ công hỗ trợ
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng TPHCM tăng trưởng âm chưa từng có, cả nước cũng có tăng trưởng thấp nhất trong những năm vừa qua. DN còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%, đây là tình huống chưa từng có. DN duy trì dòng tiền cầm cự được 1 tháng chiếm trên 40%, từ 1-3 tháng chiếm 45%, chỉ 15% DN còn nguồn tài chính duy trì hoạt động trên 3 tháng, đây cũng là tình thế hết sức đặc biệt. Khi DN không hoạt động, người lao động không có việc làm dẫn tới thu nhập không còn, đây cũng là tình huống rất đặc biệt.
TPHCM bảo vệ sức khoẻ người dân, “sức khoẻ” doanh nghiệp ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG
ĐBQH Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, về mặt kinh tế xã hội đứng trước tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển TPHCM. Cho nên về nguyên tắc, tình huống chưa từng có thì giải pháp cũng chưa từng có. Đồng thời cho biết cần hỗ trợ để DN duy trì dòng tiền tệ để hoạt động, giữ chân, hỗ trợ người lao động, người dân. Khi người dân, người lao động có tiền thì mới kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng. Do đó ý nghĩa việc hỗ trợ tiền cho người dân, người lao động rất quan trọng. Bên cạnh đó có 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá nghệ thuật cần hỗ trợ để thích ứng với tình hình mới.
Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay Chính phủ đã có kế hoạch và đang chi khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ. Đây là nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ người dân, DN… tuy nhiên con số hỗ trợ này vẫn chưa đủ nhu cầu thực tế.
ĐBQH dẫn chứng khi nghiên cứu, tìm hiểu ở 14 quốc gia trên thế giới, nhiều nước chi hỗ trợ rất lớn, họ dùng nợ công để chi hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó chia làm 3 nhóm, đối với nhóm 5 nước phát triển ở châu Âu có nợ công tăng bình quân 20,6% để cứu nền kinh tế, nhóm 4 nước phát triển ngoài châu Âu có nợ công tăng 18,8% và 5 nước ở châu Á tăng trưởng chung giảm 9%, nợ công tăng 12,8%. Trong vòng 2 năm các nước có gói tài chính giá trị để hỗ trợ nền kinh tế.
Tại Việt Nam, trong 2 năm vừa qua nợ công tăng 0,5%. Từ kinh nghiệm các nước, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, đề xuất có gói hỗ trợ ít nhất 6,5% GDP, chủ yếu từ nguồn nợ công (khoảng 410.000 tỷ đồng) để chi hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động. Do đó cần có Nghị quyết riêng sử dụng nợ công trong tình hình suy giảm kinh tế rất đặc biệt thế này.
Cần nhiều thời gian để phục hồi kinh tế
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan ghi nhận các ý kiến của DN, nhất là các ý kiến liên quan đến thẩm quyền giải quyết của TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế. Các ngành kinh tế đều có bộ tiêu chí an toàn và từng lĩnh vực đều có chuẩn bị các phương án để thực hiện. Sắp tới, TPHCM sẽ làm việc riêng với Hiệp hội DN TPHCM để triển khai các nội dung này.
Đồng thời chia sẻ, quan điểm của TPHCM trong Chỉ thị 18 là một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt cũng quan tâm bảo vệ “sức khỏe” của kinh tế, trong đó có “sức khỏe” của DN. TPHCM xem bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ “sức khỏe” DN, kinh tế là hai mặt trận của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
“Chúng tôi không thể nào xem trọng một mặt trận mà bỏ quên mặt trận khác”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
TPHCM bảo vệ sức khoẻ người dân, “sức khoẻ” doanh nghiệp ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Giống như người vừa vượt qua bạo bệnh, rất cần thời gian dưỡng bệnh sau đó mới có đủ lực để phát triển. Nên thời gian để phục hồi kinh tế TPHCM trở lại trạng thái bình thường trước khi có dịch, khoảng 6 tháng, 9 tháng, thậm chí cả năm sau mới phục hồi như cũ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết.
Thời gian qua, TPHCM được sự hỗ trợ của Trung ương, đã triển khai có hiệu quả và tích cực trong công tác phòng chống dịch. Còn một số mặt, TPHCM vẫn tích cực làm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, kiên trì hơn nữa để công tác phòng chống dịch có hiệu quả cao hơn, bảo vệ tốt hơn sức khỏe người dân.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, sức khỏe của người dân, “sức khỏe” của DN, “sức khỏe” của kinh tế đã đứng trước một tình huống rất khó khăn và thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TPHCM trong 9 tháng đầu năm đều giảm rất sâu. Đặc biệt, có các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp giảm rất sâu, thậm chí du lịch trong nhiều tháng có doanh số bằng 0. Thu ngân sách TPHCM có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021.
Rất nhiều DN của TPHCM đang đóng cửa, phá sản, tạm đóng cửa. Những DN có điều kiện thì hoạt động cũng không hết công suất và gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng lên. Nguồn vốn của DN đang cạn kiệt dần còn nguồn lực ngân sách đang ở vào thế khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, theo trao đổi giữa các chuyên gia kinh tế và các DN, để phục hồi kinh tế của DN tại TPHCM thì đòi hỏi phải có thời gian đủ cho hồi phục, chứ không phải hôm nay mở cửa là có thể phục hồi ngay được. 
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM hiến kế trong cách thiết kế các chính sách của Trung ương nhằm động viên sức dân và đồng thời sát với thực tiễn hiện nay ở TPHCM. Chính sách ban hành là đang ban hành phổ biến chung, khó có thể áp dụng cho từng nhóm DN. Chúng ta nên phân loại ra từng nhóm DN với từng nhóm “sức khỏe” của DN và có chính sách với từng nhóm thì phù hợp hơn.
TPHCM bảo vệ sức khoẻ người dân, “sức khoẻ” doanh nghiệp ảnh 3 “Chúng tôi không thể nào xem trọng một mặt trận mà bỏ quên mặt trận khác”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TPHCM thu 1.400 tỷ đồng. Đến tháng 7-2021, còn 700 tỷ đồng/ngày và đến tháng 9-2021 chỉ còn hơn 600 tỷ đồng/ngày, giảm hơn 50% so với mức thu của một ngày bình thường. Nguyên nhân DN không sản xuất, không có nguồn thu nên TPHCM không thu được ngân sách. GRDP của TPHCM vào đầu tháng 8-2021 sẽ âm 2,8%, đến tháng 9-2021 sẽ giảm sâu hơn nữa, dự kiến -5,6%.


Tin cùng chuyên mục