Những năm qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu đường và từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn TPHCM. Mặc dù còn không ít hạn chế, nhưng điều cần ghi nhận là hạ tầng giao thông đô thị đã có bước cải tiến rõ rệt, ngày càng phát triển.
Nhiều nút thắt đã mở
Hàng loạt công trình cầu đường được đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn rút ngắn thời gian đi lại giữa các quận, huyện, tạo đà phát triển kinh tế xã hội. Đơn cử mới đây nhất là đường Phạm Văn Đồng (dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) thông xe đưa vào sử dụng đợt 1 dự án và trong tương lai khi hoàn thành toàn bộ dự án giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân cả một khu vực rộng lớn ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức. Điểm đầu của tuyến đường từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh sau đó băng qua sông Sài Gòn đến quận Thủ Đức kết nối vào quốc lộ 1 với 12 làn xe, rộng 60m. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân từng nhấn mạnh: Trục đường này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và toàn vùng TPHCM. Không chỉ giúp giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực mà còn kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, tạo diện mạo hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại. Để thông xe được đoạn này, TPHCM và nhà đầu tư cùng các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các sở ngành đã có nhiều nỗ lực vượt qua những thời điểm khó khăn, thách thức. Sau khi tuyến đường hoàn thành thông suốt sẽ đảm nhận khoảng 60% lưu lượng xe cộ, giữ vai trò lớn trong việc giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông trong khu vực.
Không chỉ công trình trên, trong năm qua, TPHCM đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm giải quyết cơ bản những điểm kẹt xe kinh niên như cầu vượt ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh; vòng xoay Lăng Cha Cả; nút giao thông 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương, quận 10; ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình; bùng binh Cây Gõ, quận 6; nút giao quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10 và quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10B.
Dự án sau nhiều lần trễ hẹn như đường Vành đai phía Đông (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy dưới chân cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc) đưa vào khai thác, mặc dù chưa hoàn chỉnh nhưng cũng đã góp phần giảm ùn tắc cho khu vực nội đô. Công trình kết nối toàn bộ đường vành đai của TPHCM, kết nối luồng phương tiện lớn theo hướng xa lộ Hà Nội (đoạn cầu Rạch Chiếc) đến cầu Phú Mỹ, rút ngắn quãng đường vì các xe sẽ không phải đi vòng vào đường Đồng Văn Cống như hiện nay.
Một công trình quan trọng không kém nằm ngay cửa ngõ này là cầu Sài Gòn 2 (nối quận Bình Thạnh và quận 2). Cầu được khởi công vào tháng 4-2011 với số tiền đầu tư gần 1.500 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng mới đây, giúp giảm áp lực xe cho cầu Sài Gòn hiện hữu đang phải “gánh” hàng chục ngàn lượt xe mỗi ngày.
Kết nối liên hoàn
Thời gian tới, tại dự án đường Vành đai Đông, hạng mục nào hoàn thành sẽ được đưa vào sử dụng ngay nhằm giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc TP. Tuyến đường này là một phần của đường vành đai số 1 và là một trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020. TPHCM sẽ quyết tâm kết nối hệ thống đường cao tốc, Vành đai ngoài, Vành đai 2 và các tuyến giao thông quan trọng khác tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn. Sắp tới cũng sẽ đưa vào sử dụng một đoạn đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (TPHCM - Đồng Nai) và trong năm 2014 sẽ thông xe toàn bộ tuyến đường này.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, sau khi đưa vào khai thác hàng loạt cầu vượt bằng thép, tình trạng ùn tắc giao thông giảm thấy rõ. Chính vì vậy, TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều cầu vượt tại những khu vực thường xuyên ùn tắc trên địa bàn. Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất 7 vị trí cần xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ là trước cổng trường Hồng Hà (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp), đường Kinh Dương Vương (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), khu vực Lottemark - ĐH Tôn Đức Thắng (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), trước bến xe An Sương (quốc lộ 22, quận 12)... Ngoài ra, TPHCM cũng dự kiến xây cầu vượt cho xe máy tại các ngã tư Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa trên đường Võ Thị Sáu. Trên đường 3-2, cầu vượt hai chiều cho xe máy và ô tô tại ngã tư Thành Thái - Nguyễn Tri Phương, Lê Đại Hành- Lãnh Binh Thăng.
Cũng để góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất trong toàn bộ thời gian sử dụng đất đối với các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất hoặc được giao sử dụng đất để xây dựng bãi đậu xe nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe. Thành phố cũng đề nghị cho phép doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 10 năm kể từ khi công trình bắt đầu khai thác và đối với các dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe mà đất được giao phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cho phép chủ đầu tư có quyền tự quyết định giá dịch vụ giữ xe.
Với những nỗ lực đó, chúng ta có thể kỳ vọng hạ tầng TPHCM sẽ tiếp tục được cải thiện trong những năm sắp tới.
QUỐC HÙNG
| |