TPHCM cần thêm “năng lực biệt đãi” để có Trung tâm tài chính quốc tế

Thường khi bàn về quốc sách xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế, ta hay nghe nói đến nguồn lực vật chất hoặc nhờ một số nước hỗ trợ “xây dựng” giống như mô hình Thượng Hải, London, Luxembourg.

Dùng nguồn lực đất đai, tiền bạc hay nhờ ai đó xây dựng TTTC sẽ thuận lợi hơn nếu thành phố, địa phương được chọn có chiều dài lịch sử, sự tin tưởng lẫn nhau và được trao cho khung thể chế vượt trội.

Từ một “Sài Gòn mỹ lệ” đến TPHCM đầu tàu kinh tế cả nước

Vào những ngày cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM với mục tiêu đến năm 2030 là đầu tàu về kinh tế số, trở thành trung tâm kinh tế-tài chính của khu vực Đông Nam Á; định hướng đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế-tài chính châu Á. Như vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã mở hướng đi thuận lợi để TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế.

Thực ra TPHCM có chiều dài lịch sử giống như nhiều TTTC quốc tế trên thế giới. Từ một làng chài, rồi đến một cảng thị nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, cho đến một đại đô thị hiện đại ngày nay tập trung phần lớn hệ thống tài chính, ngân hàng của quốc gia, TPHCM là địa phương duy nhất của Việt Nam thể hiện rõ nét nhất hình hài TTTC đi lên từ trung tâm thương mại cổ điển theo mô hình của Charles Kindleberger, giống như Amsterdam, London, Hồng Kông.

Cảng Cát Lái TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cảng Cát Lái TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về mặt lịch sử, một số TTTC như Amsterdam, London và Hồng Kông nổi lên từ mô hình trung tâm thương mại cổ điển, với nền tài chính được xây dựng dựa trên hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, thường là nơi các thương gia chuyển dần từ thương mại sang bất động sản và tài chính. “Sài Gòn mỹ lệ và tưng bừng” (tên một phóng sự ảnh trên Tạp chí Thế giới Tự do của chính phủ Mỹ năm 1957) đã mô tả đặc trưng và quảng bá Sài Gòn sau chiến tranh như là một thành phố xinh đẹp, nhộn nhịp hàng đầu Đông Nam Á. Viết tiếp lịch sử, từ một “Sài Gòn mỹ lệ và tưng bừng” đến TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước ngày hôm nay, sẽ thấy một chiều dài lịch sử xứng đáng để trở thành TTTC quốc tế tiềm năng.

Vào đầu thế kỷ 20, Sài Gòn từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” trong mắt người phương Tây. Lúc này, trong vùng Đông Á, cùng với Sài Gòn còn có một chuỗi những hòn ngọc xinh đẹp khác là Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Tokyo, Bangkok. Những hòn ngọc vùng Đông Á xưa kia giờ đây đều là đảo kim cương khi trở thành các TTTC quốc tế hàng đầu thế giới. Với hoàn cảnh lịch sử, như thể tự nhiên quyết chọn Sài Gòn - TPHCM như một TTTC tiềm năng.

“Sài Gòn đẹp lắm”và TPHCM ngày nay cách nhau một chữ “TIN”

Cách nay nửa thế kỷ, nhạc phẩm “Sài Gòn đẹp lắm” của cố nhạc sĩ Y Vân, như thể vô hình trung khắc họa khía cạnh lý thuyết phân cụm kinh tế dựa trên hiệu quả của kinh tế quy mô, và lời nhạc phẩm được nối tiếp: “Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này…; Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau…”. Các TTTC quốc tế xưa kia và ngày nay thành công hầu hết đi lên theo cách như thế. Lao động có năng lực kỹ năng cao tập hợp trong cùng hệ thống quản lý tài chính, kỹ thuật, pháp lý và dàn xếp để giảm chi phí cung cấp dịch vụ do tính quy mô của thị trường và chuyên môn hóa mang lại.

Nền kinh tế quy mô và phân cụm đến lượt nó sẽ xuất hiện các mối quan hệ tin cậy và các chuẩn mực giao dịch được thể chế hóa. Thí dụ, các nhà phát hành chứng khoán, tài trợ dự án, bảo lãnh phát hành và bảo hiểm các sản phẩm tài chính dễ dàng điều phối huy động vốn, dàn xếp giao dịch và đảm bảo kết quả với chi phí giao dịch thấp trong khoảng thời gian nhanh chóng. Về mặt văn hóa, người Sài Gòn rất thân thiện và do đó dễ tạo ra sự tin cậy ban đầu, từ đó thiết lập các mối quan hệ làm ăn bền chặt, như bài hát thể hiện: “Người ra thăm bến câu chào nói lao xao; Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui…”.

So với Thượng Hải, sở dĩ Hồng Kông liên tục nằm trong top đầu các TTTC quốc tế toàn cầu bất chấp những thăng trầm, là do có được hạ tầng mềm văn hóa độc đáo. Chỉ cần một cú điện thoại hoặc sơ giao, tấm chân tình ngay lập tức rộng mở, mọi người liền đặt niềm tin lẫn nhau, các giao dịch làm ăn, đầu tư diễn ra rất nhanh chóng. Trong khi đó, cho dù là TTTC với sự ủng hộ tối đa của Chính phủ Trung Quốc, nhưng Thượng Hải cho đến giờ vẫn chưa thể cạnh tranh được với các top đầu như London, New York và Hồng Kông. Ở TTTC Thượng Hải tồn tại cái gì đó như thể “sự hỗn loạn được dàn dựng” thông qua các “hộp đen quy định”, nơi “không ai biết chuyện quái gì đang xảy ra và không ai muốn đưa ra quyết định, bởi vì họ không biết họ có thẩm quyền hay không” (trích dẫn từ nghiên cứu của Viện Brookings so sánh khả năng cạnh tranh của TTTC Thượng Hải và Hồng Kông).

So sánh môi trường văn hóa làm ăn của Hồng Kông và Thượng Hải để thấy, TPHCM tuy là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng môi trường văn hóa kinh doanh lại không nằm trong top đầu lại là rào cản không nhỏ để trở thành TTTC quốc tế bền vững. “Sài Gòn đẹp lắm” cách nay nửa thế kỷ, và TPHCM ngày nay cách nhau một chữ “TIN” vời vợi không biết bao giờ…

TPHCM cần thêm một “năng lực biệt đãi” để có TTTC quốc tế

Về mặt lý thuyết, với chiều dài lịch sử cùng với một nền kinh tế quy mô và phân cụm tài chính hiện tại, để khắc phục những khiếm khuyết hiện có cần tạo điều kiện hợp lý về thể chế, sao cho có thể tận dụng tối ưu các khoảng trống từ những đổi mới tài chính và các bất ổn địa tài chính toàn cầu, và TPHCM hoàn toàn có thể trở thành một TTTC hàng đầu khu vực và quốc tế.

Các nghiên cứu cho thấy, một số TTTC mới nổi thời hiện đại thành công nhờ vào áp dụng cái được gọi là “năng lực biệt đãi”, tức với một thành phố, địa phương được ban cho thể chế vượt trội để trở thành thỏi nam châm thu hút nguồn lực toàn cầu. Có rất nhiều nghiên cứu về chủ đề này, người viết chỉ đề cập đến những đổi mới tài chính gần đây xuất phát từ cuộc cách mạng 4.0.

Giả dụ, bạn không có bất kỳ thứ gì ngoài ý tưởng “lãng mạn” lập doanh nghiệp đưa người du lịch không gian? Ở Việt Nam, hẳn chính quyền sở tại sẽ cho là bạn đang có vấn đề về thần kinh.

Vậy mà những “gã điên” đưa người du lịch không gian vũ trụ như Richard Branson (Virgin Orbit) hay Elon Musk (SpaceX), tuy chưa đủ quá nhiều điều kiện niêm yết cổ phiếu đại chúng vẫn huy động được số vốn khổng lồ. Đó là nhờ các TTTC mở thêm các quy định đổi mới tài chính về “công ty mua lại có mục đích đặc biệt” (SPAC), để giúp các công ty tư nhân niêm yết đại chúng với thời gian nhanh và thuận lợi. Năm 2021, Vingroup cũng dự định đàm phán huy động 1 tỷ USD cho VinFast thông qua SPAC tại TTTC quốc tế New York.

Một thí dụ khác là về các đổi mới trong lĩnh vực fintech và ngân hàng kỹ thuật số tại các TTTC châu Á và ASEAN gần đây. Do những quy định khắt khe tại các nước giàu, nên chỉ một vài công ty công nghệ (big tech) được cấp phép thành lập ngân hàng kỹ thuật số như Rakuten Bank America (Mỹ); Tandem Bank, Atom Bank, Monzo Bank (Anh); Revolut Bank, Klarna Bank (EU). Tận dụng thời cơ này, nhiều TTTC châu Á lập tức đặt thêm các quy định mới thu hút hàng loạt đại bàng công nghệ dồn về châu Á xây tổ vô số kể các ngân hàng kỹ thuật số và fintech.

Tài chính toàn diện và tạo động lực cạnh tranh thông qua đổi mới sáng tạo là mục tiêu hàng đầu tại TTTC quốc tế nhiều nước châu Á. Có thể nói, nhiều TTTC tại châu Á đã ban hành những thể chế dung nạp hầu hết khoảng 40 trong tổng số 50 đại bàng công nghệ toàn cầu về làm tổ, hình thành các ngân hàng kỹ thuật số thế hệ mới (Neobank). Và cũng từ đó hàng trăm tỷ USD chảy về TTTC quốc tế các quốc gia châu Á. Có thể kể ra vô số các Neobank: MyBank (Ant Group), WeBank (Tencent), XW Bank (Xiaomi), AiBank (CITIC/Baidu)… của Trung Quốc; Airstar Bank (Xiaomi), Fusion Bank (Tencent), AntBank (Ant Group)… của Hồng Kông; Kakao Bank (Kakao Group), Toss Bank (Toss)… của Hàn Quốc. Rồi Singapore, Malaysia, Thái Lan… cũng đã cấp phép cho hàng chục ngân hàng kỹ thuật số trong thời gian gần đây. Duy nhất, chỉ Việt Nam đang là ốc đảo trong làn sóng đổi mới tài chính các nước khu vực.

Rồi cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng tạo thêm nhiều khoảng trống để một số TTTC đặt ra các quy định mới thu hút vốn trên thị trường tài chính toàn cầu. Chẳng hạn, TTTC quốc tế Dubai của Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) phát kiến công cụ tài chính “hoán đổi nhà” từ tài sản đắt tiền tại London của những người Nga giàu có, sang những ngôi nhà giá rẻ hơn tại Dubai. Sớm muộn gì, các TTTC quốc tế hải ngoại (offshore) của các nước khu vực, chẳng hạn như Labuan của Malaysia, cũng sẽ bổ sung các quy định thu nạp các đổi mới tài chính lạ lùng từ các bất ổn địa chính trị toàn cầu.

Chợt nghĩ, đâu chỉ tiền bạc, đất đai mới có TTTC quốc tế. Chúng ta có quyền quan ngại về tính hiệu quả và an ninh quốc gia của mô hình TTTC tiếp cận theo hướng tốn quá nhiều nguồn lực ban đầu, thậm chí nhờ láng giềng hỗ trợ xây dựng. Trong khi đó, vốn có chiều dài lịch sử và văn hóa bản sắc phương Nam, nếu TPHCM có thêm “năng lực biệt đãi”, hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có một TTTC quốc tế thế hệ mới phát triển bền vững hướng vào các đổi mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và fintech.

Chúng ta có quyền quan ngại về tính hiệu quả và an ninh quốc gia của mô hình TTTC tiếp cận theo hướng tốn quá nhiều nguồn lực ban đầu, thậm chí nhờ láng giềng hỗ trợ xây dựng. Trong khi đó, vốn có chiều dài lịch sử và văn hóa bản sắc phương Nam, nếu có thêm “năng lực biệt đãi”, hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có một TTTC quốc tế thế hệ mới phát triển bền vững hướng vào các đổi mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và fintech.

Tin cùng chuyên mục