TPHCM đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ các công trình giao thông trọng điểm đã và đang hình thành. Nhờ những công trình này, sinh hoạt người dân đang ngày càng cải thiện.
Công trình thế kỷ
Gần một thập niên triển khai dự án, đại lộ Phạm Văn Đồng đã thông xe, đưa vào sử dụng đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu. Được xem là cung đường đẹp và hiện đại nhất hiện nay. Hai bên đường được thiết kế đèn đường, vỉa hè, cây xanh đẹp mắt. Đây còn là công trình góp phần cải tạo môi trường tạo cảnh quan hiện đại trong thời gian tới. Với quy mô đưa vào sử dụng 12 làn xe có chiều dài tuyến hơn 5km, rộng 60m và không còn cảnh kẹt xe kinh niên tại nút giao Nguyễn Thái Sơn, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, quốc lộ 13. Đặc biệt, cầu Bình Lợi vượt sông Sài Gòn giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển từ Thủ Đức về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Trải qua hơn 6 năm xây dựng, ước mơ về một cung đường khang trang, xanh, sạch, đẹp đã trở thành hiện thực. Ước mơ của nhiều người là đường Phạm Văn Đồng sẽ là một trong những tuyến đường đẹp nhất TP, góp phần chỉnh trang đô thị các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Mặc dù chỉ mới đưa vào sử dụng một đoạn khoảng 5km nhưng người dân sinh sống dọc theo hai bên đường có thể tự hào về một TPHCM có thêm một công trình giao thông hiện đại.
Tương tự, tại các tuyến đường xa lộ Hà Nội, Vành đai Đông, Hoàng Sa - Trường Sa, Võ Văn Kiệt… không còn những căn nhà lụp xụp hôi hám, nhếch nhác và rác lềnh bềnh ven sông, thay vào đó là những dãy nhà phố khang trang san sát nhau, những tòa nhà cao tầng mang kiểu dáng hiện đại xuất hiện nhiều hơn. Từ ngày đường Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng, đi từ quận 1 sang các quận 2, 4, 5… chỉ mất vài phút. Đó là chưa kể, muốn đi miền Tây, trước giờ phải đi vòng hoặc chạy xuyên qua trung tâm TP thường xuyên kẹt xe, giờ chỉ chạy thẳng một đường tới Bình Chánh rồi lên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là đến Long An ngay, mất chỉ 45 phút. Không chỉ có thế, khi những tuyến đường lớn thông suốt sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông tại các khu vực có tuyến đường ngang từ các quận 1, 4, 5, 6, 8, Bình Tân, Bình Chánh. Ngoài những tuyến đường trên, TP đã xây dựng và đưa vào sử dụng hàng loạt cầu vượt bằng thép góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông kinh niên tại những giao lộ. Đơn cử, cầu vượt ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh, 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương, vòng xoay Cây Gõ, vòng xoay Lăng Cha Cả…
Thay da đổi thịt
Chạy dọc theo hai trục đường Hoàng Sa và Trường Sa, ven kênh cây xanh đang phủ kín bóng mát, những bồn hoa cây kiểng rực sắc hoa, mọi người có thể cảm nhận một sự đổi thay của con kênh vốn trước đây đầy rác. Đâu đó hai bên bờ kênh, sáng, chiều đâu đó từng nhóm người thả câu câu cá. Từng tốp người tập thể dục miễn phí với những máy tập được gắn dọc trên hành lang ở hai tuyến đường này, hay từng tốp người sải bộ dọc hai bên lan can kênh. Cô Trần Thanh Thủy, nhà gần ngã ba Trần Văn Đang - Hoàng Sa nói: “Tôi sinh ra và lớn lên gắn liền với lịch sử con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè này. Cách đây khoảng 50 năm, lúc ấy tôi mới 12 tuổi, thời đó nước kênh xanh sạch trong vắt, chúng tôi gồm 6, 7 đứa thường mò ốc cập theo mé kênh. Dần theo năm tháng, người dân về đây cất nhà. Cứ thế hàng chục ngàn hộ dân, phần lớn dân nghèo về lấn chiếm, cất nhà tạm ven kênh để làm nơi ở, riết rồi lấn hết cả dòng kênh. Lần hồi theo thời gian, biến dòng nước màu xanh năm xưa trở nên hôi thối”.
Để có được hai con đường tuyệt đẹp như ngày nay, từ những năm 1990, TP triển khai dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song dọc kênh. Sau đó, nạo vét bùn dưới dòng kênh, tiếp tục cải tạo, mở rộng, chỉnh trang hai bên bờ trở thành tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa đẹp như ngày nay. Người dân ở khu vực này từ không có đường, nước ngập quanh năm dù mưa hay nắng giờ trở thành “cư dân nhà mặt tiền”.
Bác Trần Minh Trung, nhà ở chợ Cầu Muối, hồ hởi nói: “Bà con dọc tuyến đường này cảm ơn TP đã quyết tâm thực hiện dự án với biết bao khó khăn để có được con đường như ngày nay. Kế đến phải cảm ơn những hộ dân đã hy sinh một phần tài sản của mình di dời đi nơi khác. Chưa có đường Võ Văn Kiệt, khu vực chợ Cầu Muối vô cùng phức tạp, tập trung đủ thứ tệ nạn. Chuyện ô nhiễm thì khỏi phải bàn, mùi hôi dưới sông xộc lên, trên bờ thì đủ thứ rác ở chợ thải ra. Từ ngày hoàn thành con đường, mọi thứ tệ nạn dần bị triệt tiêu, người dân ý thức hơn, cuộc sống văn minh hơn, nhà cửa xây cất khang trang cho tương xứng với con đường”.
| |
QUỐC HÙNG