Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan đóng vai trò thường trực trong Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM, cho biết, một đề cương nghiên cứu chung giữa TPHCM và các chuyên gia Hà Lan trong chương trình “TPHCM tiến ra biển Đông - thích ứng với biến đổi khí hậu” đã cơ bản hoàn thành.
Nói chung, chương trình này sẽ được tiến hành theo 3 bước. Bước thứ nhất: thu thập thông tin, số liệu liên quan đến quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế, xã hội. Bước thứ hai: Phân tích các dữ liệu. Bước thứ ba: Xây dựng một chương trình tiến ra biển Đông có lợi nhất cho TP. Dự kiến toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 1,5 năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải Rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, điều phối viên của Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM, cho biết: đây là bước đi khá thận trọng của TP trong việc phát triển đô thị. Hiện nay, việc phát triển đô thị ở TP đã không còn nhiều tính “ngẫu hứng”, duy ý chí như nhiều năm trước. Phát triển đi đâu, như thế nào, ra sao đã được tính toán khá kỹ trên cơ sở thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Có lẽ hiện trạng lún, nứt, nghiêng ở nhiều ngôi nhà được xây dựng trong các vùng đất yếu của TP đã buộc các sở, ngành liên quan cẩn trọng hơn khi cho phép hình thành nên các khu đô thị mới. Tất nhiên, hiện nay công nghệ xây dựng hiện đại đã cho phép các nhà thầu có thể xây dựng lên những công trình vĩ đại trên bất cứ nền địa chất nào.
Cũng theo đề cương này, sau khi có những kết luận chính thức về việc tiến ra biển Đông như thế nào, phía Hà Lan sẽ giúp TPHCM xây dựng kế hoạch thực hiện bao gồm cả kế hoạch về tài chính lẫn công nghệ. Hà Lan là một quốc gia với đa số diện tích đất có cao độ thấp hơn cao độ mặt nước biển. Quốc gia này đã xử lý rất tốt khó khăn ấy.
Được biết, khu vực Nam, cửa ngõ tiến ra biển của TPHCM là một vùng đất rất yếu và thấp. Biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh đến các lĩnh vực: chống ngập lụt, cấp nước sinh hoạt và cấp nước cho các khu công nghiệp, nông nghiệp, vệ sinh và xử lý nước thải, phát triển cảng biển, phát triển đô thị, dịch vụ vận tải… Hiện nay, khu vực này đã khá đông đúc người ở với nhiều khu đô thị mới, khu dân cư mới đã mọc lên. “Điều chỉnh” thực trạng ấy là bài toán khó nhưng nếu không điều chỉnh mà chấp nhận hiện tại thì khó đạt được mục tiêu thân thiện với môi trường. Nhất là khi, khu vực này còn là hướng thoát nước chính cho cả khu vực nội thành phía bên trong (tính từ biển vào).
|
TÂM ĐỨC