TPHCM long trọng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 25-4 (tức mùng 10-3 Âm lịch), tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hoá Dân tộc (quận 9, TPHCM), Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam TPHCM long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu dâng hương tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu dâng hương tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có các đồng chí: nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu; cùng các lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, kiều bào, đoàn viên thanh niên TPHCM…

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đông đảo người dân về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tự hào về cội nguồn thiêng liêng và đất nước ngàn năm văn hiến, phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu khẳng định: đồng bào TP nguyện tiếp tục giữ gìn và vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nêu cao ý thức tự lực, tự cường. Những người con từ mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – TPHCM tiếp tục “cùng cả nước – vì cả nước”; dựng xây, phát triển TP mang tên Bác trong giai đoạn mới mà thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất là chất lượng sống của người dân, là hàm lượng thông minh trong các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, là thái độ phục vụ nhân dân đi cùng hiệu quả công việc, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trên vùng đất văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

 Đông đảo người dân đổ về  Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tiếp đó, trong không khí tôn nghiêm, Ban tổ chức trọng thể tiến hành nghi thức Giỗ Tổ Vua Hùng với các phần: diễu hành đón rước và dâng lễ vật, lễ tế theo nghi thức cổ truyền. Sau lễ dâng hương của lãnh đạo TP, người dân TP cũng xếp hàng dâng hương một cách trật tự và trang nghiêm.

Hình ảnh tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dịp này, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội trại truyền thống "Tự hào nòi giống Tiên Rồng” lần thứ 10 với hơn 1.000 sinh viên tham gia.

Sáng cùng ngày, đoàn lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Kính thưa:

          - Các đồng chí lão thành cách mạng,

          - Các đồng chí lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

- Các đồng chí lãnh đạo, nguyên Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố,

          - Các đồng chí đại diện các sở, ban, ngành, các đoàn thể thành phố và quận - huyện,

          - Các vị nhân sĩ, trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, đại diện Hội Người cao tuổi ở thành phố,

          - Thưa đồng bào thành phố,

Hôm nay, ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Tuất, cùng với đồng bào cả nước, Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, thành kính dâng hương dâng hoa, tưởng nhớ Tổ tiên, ghi tạc công đức to lớn của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã khai phá, tạo dựng và gìn giữ non sông đất nước Việt Nam tươi đẹp, yêu quý cho con Lạc cháu Hồng.

Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền

Cành Nam, cành Bắc, một cội nên

                                                      ( Nguyễn Trãi – Quốc Âm thi tập)

Chim có tổ, người có tông; từ cội nguồn trăm trứng, từ cốt nhục đồng bào mà dân tộc chúng ta đã ra đời, đã tiến hóa và thích ứng – phát triển không ngừng theo dòng chảy đa dạng, từ dòng dõi Mẹ Âu Cơ – miền núi xuống, Cha Lạc Long Quân – miền biển lên, sinh trăm trứng, nở trăm con, 50 người con lên non, 50 người con xuống biển; từ cội nguồn tông tổ này mà dải đất chữ S mấy ngàn năm qua, vững bền, sắt son như núi, bao dung, cởi mở như biển.

Khởi đầu vào năm Nhâm Tuất đến hết đời Hùng Vương thứ 18 vào năm Quý Mão (tức dương lịch từ năm 2.879 đến 258 trước công nguyên), cách nay đã hơn 40 thế kỷ, trên vùng đất không rộng, người chưa đông, các đời vua Hùng đã có đủ điều kiện để dựng nước, đủ uy lực để chế ngự thiên tai, đủ sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm, đủ sức sinh tồn và phát triển. Để từ đó, đã làm nên một thời đại Hùng Vương – nền văn hóa Đông Sơn, tạo dựng một nhà nước đầu tiên của người Việt – nhà nước Văn Lang – Âu Lạc. Tình làng, nghĩa nước, nghĩa đồng bào khởi phát là từ đây.

Kính thưa quý vị đại biểu

Kính thưa đồng bào thành phố,

Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là quốc Tổ có công dựng nước, là Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Sức mạnh cội nguồn ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.

Nếu thời đại Hùng Vương đã làm nên nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, qua các thời đại Triệu - Đinh - Lý - Trần “bao đời xây nền độc lập” [1] đã dựng xây nhà nước Đại Việt với những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm; để  tiếp nối và mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ trong lịch sử dân tộc, đã tìm ra chân lý mang tên Việt Nam: chân lý ấy chính là con đường giải phóng cho dân tộc, thống nhất cho đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân; từ đây, giang sơn thu về một mối, mở ra con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong giờ phút linh thiêng và đầy cảm xúc này, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng tất cả quý vị đại biểu và toàn thể đồng bào thành phố cùng thành kính hướng về Quốc tổ với lòng tự hào và biết ơn sâu sắc, của lớp con cháu Lạc Hồng, ghi tạc lời dặn dò thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Dựng nước đi cùng giữ nước; giữ nước là để tiếp tục dựng xây đất nước phát triển là nguyên lý vận hành của lịch sử dân tộc, chưa bao giờ tách biệt. Dựng nước – giữ nước từ hơn mấy ngàn năm, dù chìm trong đêm dài nô lệ vẫn tin vào sức mạnh của “đại nghĩa thắng hung tàn/ lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi), tin vào sức mạnh để “biết rằng mình cuối cùng sẽ lại chiến thắng, dù phải đương đầu với bất cứ kẻ thù nào” ( Vũ Hạnh), tin vào sức mạnh để bắt tay xây dựng đất nước “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” – như ý nguyện của Người.

Kính thưa quí vị đại biểu ,

          Thưa đồng bào thành phố,

Nhớ ơn và bày tỏ lòng biết ơn lên Quốc Tổ và biết bao vị tiền nhân dân tộc, những người con từ mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang của cha ông, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và sáng tạo không ngừng để từng bước “cùng cả nước – vì cả nước” thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố mang tên Bác trong giai đoạn mới mà thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất đó chính là chất lượng sống của người dân, là hàm lượng thông minh trong các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, là thái độ phục vụ nhân dân đi cùng hiệu quả công việc, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trên vùng đất văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

Khi chúng ta cùng chung một cội nguồn, chúng ta có được sức mạnh, sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Đó là những truyền thống quý báu của dân tộc, để dẫu đi qua mấy ngàn năm lịch sử,  “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, là đạo lý, là cốt cách, là thế ứng xử văn hóa muôn đời của những người con đất Việt.

Kính thưa quý vị đại biểu

          Thưa đồng bào thành phố ,

Tự hào về cội nguồn thiêng liêng và đất nước ngàn năm Văn hiến, đồng bào Thành phố chúng ta nguyện sống xứng đáng với công ơn dựng nước của các Vua Hùng, của Tổ tiên và các bậc tiền nhân; tiếp tục giữ gìn và vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tiếp tục công cuộc đổi mới, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; khai thác mọi nguồn lực, cần kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến lý tưởng và mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội thành hiện thực trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn.


[1] Trích Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi.

Tin cùng chuyên mục