TPHCM năm Canh Dần: Tập trung phát triển giao thông đô thị

“Giao thông thông thoáng thì thành phố mới phát triển được”
TPHCM năm Canh Dần: Tập trung phát triển giao thông đô thị

Ngày 19-2, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành để bàn một số vấn đề về phát triển đô thị trong năm mới Canh Dần 2010. Đây cũng là cuộc họp thống nhất các ý kiến sẽ báo cáo với Thủ tướng trong thời gian tới.

Cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2 và hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành, giúp giao thông về phía Đông TPHCM thông suốt. Ảnh: CAO THĂNG

Cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2 và hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành, giúp giao thông về phía Đông TPHCM thông suốt. Ảnh: CAO THĂNG

“Giao thông thông thoáng thì thành phố mới phát triển được”

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã khẳng định như vậy khi nói về nhiệm vụ phát triển đô thị của thành phố trong năm mới. Trên tinh thần này, Chủ tịch UBNDTP chỉ đạo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng là “báo cáo rất cụ thể với Thủ tướng các công trình giao thông mang tính chất “đòn bẩy” cần phải triển khai trong năm Canh Dần. Kiến nghị với Thủ tướng tạo điều kiện cho thành phố tiếp cận các nguồn vốn ODA đầu tư cho các công trình giao thông lớn”.

“Cứ căn cứ theo Quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt mà đề xuất với Thủ tướng”. Nhưng nên tập trung vào các dự án đường vành đai, đường trên cao và đặc biệt là các tuyến metro, các tuyến giao thông đường thủy” – Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh. Các hình thức đầu tư khác cho giao thông như BOT, BT, sử dụng trái phiếu chính phủ… cũng được Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhắc.

Nguồn vốn từ ngân sách thành phố do không có nhiều nên sẽ chỉ được tập trung cho công tác nghiên cứu, khảo sát thiết kế các dự án hạ tầng quan trọng và có thể dùng một phần để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân. “Tuy nhiên, trong các dự án lớn, nếu huy động được các nguồn vốn ODA cho công tác giải phóng mặt bằng thì phải huy động ngay” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân lưu ý.

Theo ông Trần Quang Phượng, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều đã được triển khai thực hiện với các mức độ khác nhau. 3 trong số 6 tuyến metro đã có nhà đầu tư. Nhiều tuyến xe điện mặt đất, monorail cũng đang được các doanh nghiệp Malaysia nghiên cứu.

Đường vành đai 2 chỉ còn vài đoạn ở khu vực quận 7, 9, Thủ Đức phải xây dựng là có thể hoàn chỉnh vào năm 2013. Các tuyến đường hướng tâm đối ngoại như Quốc lộ 13, 22, 50… đang được cải tạo. Các tuyến trục chính đô thị như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi… đang được triển khai.

3 trong 4 tuyến đường trên cao sắp được xây dựng… TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp thu hút vốn cho công tác xây dựng các công trình giao thông, nhưng vẫn còn một số bế tắc như chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ KH-ĐT về xây dựng theo hình thức BOT, BT…

Việc điều chỉnh dự án khi có biến động về giá cả vật tư cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường thay đổi. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành giao thông lại là không kiểm soát được sự gia tăng liên tục của các phương tiện cá nhân. Nhiều trục đường vừa làm xong đã có nguy cơ quá tải.

Nói đến vấn đề này, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhắc, đã có kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về hạn chế xe cá nhân. Do vậy, Sở GTVT cần nghiên cứu thêm việc thu phí xe cá nhân. Nguồn thu này sẽ được bổ sung cho phát triển giao thông. “Giao thông không đi trước một bước, không chống được ùn tắc giao thông thì thành phố không thể phát triển bền vững” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân một lần nữa khẳng định.

Tập trung vốn cho các công trình lớn

Bên cạnh các dự án giao thông, các dự án chống ngập, thực hiện quy hoạch di dời hệ thống trường học, bệnh viện ra ngoại thành, giải tỏa nhà ven kênh rạch… cũng được các sở, ngành báo cáo. Tuy nhiên, trong vấn đề này, Chủ tịch Lê Hoàng Quân lưu ý “chỉ tập trung vào các dự án lớn, có tính chất đòn bẩy, không đầu tư dàn trải”.

Hệ thống đường nối kết vào cầu Phú Mỹ sẽ hoàn thành trong năm nay. Ảnh: CAO THĂNG

Hệ thống đường nối kết vào cầu Phú Mỹ sẽ hoàn thành trong năm nay. Ảnh: CAO THĂNG

Đặt vấn đề về quản lý đô thị, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị Công an TPHCM tăng cường kiểm soát hộ khẩu nhưng không phải theo hướng đề xuất sửa các quy định hiện hành về cư trú mà chỉ là nêu ra một số tiêu chí về hộ khẩu.

Việc phát triển các đô thị vệ tinh cũng cần phải được đẩy mạnh trong năm mới, trong đó tập trung cho đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc thành phố và một số khu dân cư ở Nam Sài Gòn, Đông Sài Gòn…Ở đây trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc là tái bố trí lại các cụm dân cư, cụm công nghiệp, các cửa ngõ kết nối với mạng lưới giao thông của vùng TPHCM, các khu nhà cho công nhân, các ký túc xá sinh viên… để đảm bảo cho thành phố vừa tăng trưởng kinh tế, vừa chống ùn tắc giao thông và phát triển bền vững.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân còn lưu ý ngành tài chính, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cho phép thành phố giữ lại khoảng 30%-31% tổng nguồn thu thay vì 26% như hiện nay, để thành phố tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.

3 tuyến giao thông được đề xuất thực hiện ngay

- Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ, trong đó ưu tiên đầu tư trước cầu Bình Khánh vượt qua sông Soài Rạp và đoạn tuyến cao tốc kết nối từ Bến Lức (tại đường cao tốc TPHCM - Trung Lương) đến đường Rừng Sác - Cần Giờ nhằm tạo điều kiện phát triển đô thị cảng Hiệp Phước và phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ.

- Đường nối từ nút giao thông bờ Nam cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2). Tuyến đường này sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển của KCN Hiệp Phước, khu cảng biển Hiệp Phước.

- Đường trên cao nối từ Lăng Cha Cả chạy dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đây sẽ là tuyến cao tốc đô thị trên cao, có vai trò “xương sống” của hệ thống đường bộ trên cao của thành phố. Tuyến đường này sẽ đảm bảo lưu thông, thông suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố.

(Nguồn: Sở Giao thông Vận tải)

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục