TPHCM tổng tấn công các nguy cơ cháy nổ

TPHCM tổng tấn công các nguy cơ cháy nổ

Đẩy mạnh học tập kinh nghiệm, kỹ thuật hiện đại trong phòng và chữa cháy của các nước phát triển; xã hội hóa công tác phòng và chữa cháy; PCCC phải bám sát các chương trình đột phá của thành phố; kiện toàn lại bộ máy của lực lượng PCCC… là một số giải pháp mà Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng yêu cầu Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP phải thực hiện ngay và thường xuyên để kéo giảm cháy nổ trong thời gian tới.

TPHCM tổng tấn công các nguy cơ cháy nổ ảnh 1

Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM kiến nghị UBND TPHCM làm việc với Bộ Công an để tăng cường biên chế cho lực lượng, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong PCCC

Phải “tấn công” mạnh vi phạm PCCC trong sử dụng điện

Tại buổi làm việc của đoàn công tác TPHCM với Cảnh sát PCCC TP về kế hoạch triển khai nhiệm vụ PCCC và CNCH năm 2017 trên địa bàn TP mới đây, đại diện các sở ngành, chuyên gia, lãnh đạo địa phương và các đơn vị trực thuộc ngành PCCC có chung đánh giá là tình hình cháy nổ tại thành phố ngày càng diễn biến phức tạp. Riêng tháng 1-2017, thành phố xảy ra 12 vụ, làm 13 người chết, tăng cao so với cùng kỳ. Đại diện Văn phòng UBND TP cho rằng, nguyên nhân cốt lõi gây cháy nhiều, cháy gây hậu quả nghiêm trọng nằm ở chỗ ý thức của người dân. “Hiện thành phố vẫn còn một bộ phận lớn người dân thiếu những kiến thức cơ bản về PCCC, mà không có kiến thức thì đương nhiên bà con sẽ không đánh giá, biết rõ về sự nguy hiểm trong cháy nổ. Từ đó đâm ra hời hợt, xem nhẹ, lơ là việc phòng ngừa. Và như vậy, sự cố xảy ra là đều tất yếu. Đã đến lúc các sở ngành, đơn vị PCCC cần ngồi lại, bàn thảo kỹ các giải pháp tuyên truyền. Lâu nay việc tuyên truyền PCCC trong người dân còn nặng hình thức, giờ phải cụ thể và thiết thực hơn, tuyên truyền để người dân thấm thì vi phạm mới không xảy ra”, đại diện Văn phòng UBND TP nói. 

Từ thực tế số vụ cháy do điện chiếm gần 70% tổng số các vụ cháy và đa phần các vụ cháy xảy ra trong khu dân cư, nhà dân, đại diện Sở Nội vụ TP ý kiến: “Thành phố cần có tiêu chí đảm bảo an toàn cháy nổ cho một khu dân cư. Căn cứ vào đó, các đơn vị, ngành, địa phương sẽ thực hiện trách nhiệm của mình. Tổ chức nào, nơi nào không làm đúng chức năng, để xảy ra cháy, đơn vị đó phải bị xử lý về trách nhiệm quản lý nhà nước. Có như vậy mới mong xử lý triệt để được các vi phạm, tồn tại về PCCC ở các khu dân cư”. Vị này cho biết, hiện nay đi vào bất kỳ khu dân cư nào ở thành phố cũng thấy các vi phạm: câu mắc điện không đúng quy định, hàng hóa chất hết lối thoát hiểm… Một khi chưa xử lý hết các vi phạm này thì cháy nổ trong khu dân cư chưa hết xảy ra!  

Nhiều sở ngành khác ý kiến, ở vai trò là đơn vị nòng cốt trong PCCC, Cảnh sát PCCC TP cần nhanh chóng thành lập Phòng Cảnh sát PCCC ở các quận: 5, 10, Phú Nhuận, Thủ Đức và Tân Bình (hiện chưa có Phòng cảnh sát PCCC) nhằm rút ngắn khoảng cách, thời gian tiếp cận vị trí xảy ra cháy, ứng phó kịp thời các sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra, cũng như nâng cao hiệu quả trong phòng cháy. Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, tình hình cháy nổ ở TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp nhưng biên chế nhân sự cho Cảnh sát PCCC TP đã hết. Đơn vị này kiến nghị UBND TPHCM cần làm việc với Bộ Công an tăng cường nhân sự lực lượng PCCC TP. Đồng thời đề xuất UBND TP khi quy hoạch xây dựng các tòa nhà cao tầng ở thành phố cần lấy ý kiến của Cảnh sát PCCC TP để đảm bảo tốt các yếu tố, điều kiện phòng và chữa cháy (nguồn nước, hạ tầng, con người…) về lâu dài. 

Tuyên truyền phải khoa học, phù hợp đối tượng

Để ngăn chặn hiệu quả cháy nổ xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng yêu cầu các sở ngành TP cùng với Cảnh sát PCCC TP nhanh chóng khắc phục các bất cập hiện nay. Trong đó tập trung xử lý các vi phạm trong sử dụng điện. Cảnh sát PCCC, các quận huyện, ngành điện… phải thường xuyên thành lập các tổ chuyên ngành, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ trong sử điện đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ và cả hộ dân. Phát hiện vi phạm lần đầu nhắc nhở, hướng dẫn cá nhân, tổ chức vi phạm khắc phục, nhưng khi phát hiện tái phạm phải kiên quyết xử nghiêm, không bao che, dung túng để răn đe, nêu cao việc thượng tôn pháp luật. Sau những đợt kiểm tra chuyên đề, cảnh sát PCCC các quận huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn theo dõi, giám sát cụ thể các đối tượng đã vi phạm. Nếu cá nhân, doanh nghiệp vi phạm mà cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn không nắm, báo cáo kịp thời tình hình địa bàn, tổ kiểm tra liên ngành khi xuống kiểm tra phát hiện có vi phạm sẽ xử lý trách nhiệm của cán bộ buông lỏng địa bàn.

Năm 2017, Cảnh sát PCCC TPHCM quyết tâm kéo giảm 10% trở lên số vụ cháy có nguyên nhân do điện so với năm 2016

Nhanh chóng thành lập Phòng Cảnh sát PCCC ở các quận 5, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Thủ Đức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong PCCC

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng cũng yêu cầu Cảnh sát PCCC TP phải đẩy mạnh học tập kinh nghiệm, kỹ thuật PCCC của các nước phát triển, nhất là trong việc nghiên cứu, chế tạo phương tiện, thiết bị hiện đại để xử lý, ứng phó hiệu quả các đám cháy phức tạp, kéo giảm hậu quả để lại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong PCCC, việc này không chỉ mỗi cảnh sát PCCC mà cả chính quyền địa phương, sở ngành cũng phải chung tay làm, phối hợp vận động. “Một khi người dân chịu đóng góp, hỗ trợ kinh doanh trong việc đầu tư trang thiết bị chữa cháy ở sở, phối hợp chặt chẽ với lực lượng PCCC chuyên nghiệp trong PCCC sẽ giúp họ ý thức hơn, hiểu hơn về sự nguy hiểm cháy nổ. Khi đó, việc phòng ngừa cháy nổ mới hiệu quả”, đồng chí Huỳnh Cách Mạng nói.  Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng đề nghị Cảnh sát PCCC TP phải chủ động mở rộng các hình thức tuyên truyền PCCC theo hướng cụ thể, thiết thực, sinh động. Đánh giá lại các hoạt động tuyên truyền đã thực hiện, xem xét nội dung nào tốn kinh phí nhiều nhưng không thiết thực thì loại bỏ. Hoạt động tuyên truyền phải có tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, như vậy mới hiệu quả.

Năm 2017, Cảnh sát PCCC TPHCM tập trung thực hiện các chỉ tiêu về PCCC và CNCH: Kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy, trong đó kéo giảm 15% trở lên cố vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (so với năm trước); 10% trở lên số vụ cháy có nguyên nhân do điện. 100% số vụ tổ chức chữa cháy và CNCH được đánh giá loại khá, giỏi. Đảm bảo 100% cơ sở được kiểm tra đủ số lượt theo quy định; đảm bảo 100% cơ sở được lập mới theo diện quản lý về PCCC khi đi vào hoạt động đều được lập hồ sơ theo dõi chặt chẽ. Tổ chức từ 10.000 đến 11.000 cuộc tuyên truyền PCCC. Phấn đấu điều tra làm rõ nguyên nhân từ 98% trở lên các vụ cháy, nổ đã kết thúc điều tra. Hướng dẫn 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thực hiện lập phương án chữa cháy của cơ sở theo Thông tư 66/2014/TT-BCA. Tổ chức thực tập từ 1.600 đến 1.650 phương án chữa cháy.

MINH CÔNG

Tin cùng chuyên mục