Lần đầu tiên, Hội Mỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và NXB Văn hóa Thông tin cùng kết hợp tổ chức giới thiệu sách Mỹ thuật nữ phục truyền thống Việt Nam, còn có cả phần minh hoạ trang phục nữ truyền thống Việt Nam, tại số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.
Xuất phát từ ý nghĩa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và kế thừa di sản mỹ thuật trang phục truyền thống nói riêng, công trình nghiên cứu Mỹ thuật nữ phục truyền thống Việt Nam của TS Cung Dương Hằng (giảng viên Đại học Kiến trúc TPHCM) đã phân tích, lý giải, nêu bật những nét đặc trưng, đặc sắc qua hệ thống biểu tượng nghệ thuật.
Từ lý thuyết đến thực tiễn, vấn đề mỹ thuật trang phục được chứng minh không chỉ từ kiểu dáng mà còn từ màu sắc, họa tiết, chất liệu và trang sức. Vận dụng tỷ lệ vàng và vòng màu biểu tượng, một phương pháp khoa học lâu đời của châu Âu, được xác lập như một trong những công cụ luận giải, tác giả đã chứng minh qua thực tế, thực nghiệm để đúc kết giá trị mỹ thuật nữ phục các dân tộc.
Quyển sách tạo được sự thú vị cho người đọc ở việc mô tả, phân tích trang phục phụ nữ dân tộc thật đa dạng, biểu hiện qua nhiều ý nghĩa tương đồng hoặc rất khác nhau.
Chẳng hạn, nữ phục dân tộc Mông, Dao với đặc trưng miền núi cao; nữ phục dân tộc Tày Thái với đặc trưng vùng núi thấp; nữ phục dân tộc Mường với đặc trưng miền trung du; nữ phục dân tộc Chăm, Ê-đê với đặc trưng duyên hải miền Trung và đồng bằng nhóm Nam đảo; nữ phục dân tộc Khmer với đặc trưng đồng bằng Nam bộ và nữ phục dân tộc Việt với đặc trưng miền đồng bằng. Từ cách vận dụng vòng màu biểu tượng, tác giả lý giải những vấn đề văn hóa vì sao màu sắc được tôn vinh. Đó cũng là gốc gác, cội nguồn khi màu đã thành biểu tượng thiêng liêng.
Vì vậy, khi người ta nói đến đặc trưng nữ phục Mông Đen, Mông Hoa-Mông Đỏ, Dao Đỏ, Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng, Thái Trắng, Thái Đen… không phải chỉ đơn thuần là tên gọi phân biệt dân tộc, vùng miền; mặt khác, đặc trưng các màu sắc trắng, xanh, đen, đỏ… còn được lý giải từ gốc độ tâm linh. Ví dụ như ở các dân tộc Tày, Thái, Chăm, Ê-đê… thể hiện màu nâu, màu đen từ áo tứ thân đến áo năm thân của người Việt cùng những biến đổi trong quá trình cha ông mở cõi phương Nam…
Từ lý thuyết đến chứng minh, thực nghiệm, công trình của tác giả Cung Dương Hằng còn hé lộ sự vận dụng khá thú vị hệ thống bảng màu nữ phục các dân tộc và xu hướng thời trang cho ngành thiết kế trang phục Việt Nam trong thực tiễn. Có thể nói, đây cũng là xu hướng thời đại, đang được giới nghiên cứu di sản văn hóa và nghiên cứu thiết kế trang phục trên thế giới đặc biệt quan tâm.
Kim Ửng