Tranh ta vươn ra quốc tế - Chặng đường còn xa!

Trầm lắng thị trường tranh Việt
Tranh ta vươn ra quốc tế - Chặng đường còn xa!

Sau một thời gian dài bị đóng băng, đến nay mỹ thuật Việt Nam, nhất là thị trường tranh Việt vẫn trầm lắng. Hội họa trong nước có vẻ yếu thế hơn so với bạn bè quốc tế, cả về sáng tác lẫn lý luận. Trên thị trường quốc tế, tranh Việt hầu như chưa có giá trị, thị trường tranh trong nước lại khá lặng lẽ. Tham gia sáng tác, triển lãm, giao lưu quốc tế để quảng bá với bạn bè quốc tế mỗi năm đều có nhưng chỉ ở mức khiêm tốn… Để hội họa Việt ra nước ngoài, đến được với bạn bè khu vực và thế giới, con đường xem ra vẫn còn xa!

Trầm lắng thị trường tranh Việt

Có hay không có một thị trường tranh trong nước là câu hỏi đã khiến nhiều người - không chỉ trong giới mỹ thuật - phải suy ngẫm, tìm hiểu để có thể tìm lối ra khả thi cho nền mỹ thuật nước nhà. Câu trả lời chung của nhiều người quan tâm đến mỹ thuật là thị trường tranh Việt chưa chạm đến ngưỡng chuyên nghiệp.

Họa sĩ trẻ Lê Kinh Tài, Chủ nhiệm CLB Digital Art tại TPHCM, từng có tranh đoạt giải thưởng quốc tế, thường tổ chức triển lãm tranh tại Philippines và Mỹ. Ảnh: An Dung

Họa sĩ trẻ Lê Kinh Tài, Chủ nhiệm CLB Digital Art tại TPHCM, từng có tranh đoạt giải thưởng quốc tế, thường tổ chức triển lãm tranh tại Philippines và Mỹ. Ảnh: An Dung

Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… các gallery vẫn đều đặn có những triển lãm giới thiệu tác phẩm mới nhưng khách mua phần lớn là người nước ngoài, trong khi để có một thị trường tranh Việt đúng nghĩa phải có lượng khách hàng trong nước – điều mà đến nay vẫn chỉ là mong ước.

Không phải do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế mà lâu nay thực tế hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực mỹ thuật luôn trong tình trạng trầm lắng. Phần đông các gallery sống tạm được nhờ vào việc kinh doanh các loại tranh trang trí nội thất (nhà cửa, văn phòng, công ty, khách sạn…) với những hình ảnh quen thuộc: Phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, thiếu nữ... trong khi các tác phẩm nghệ thuật đích thực thì... “vạn người xem có mấy người mua”.

“Nhiều người yêu tranh nhưng không có khả năng mua, ngược lại những người có tiền thì ít ai mua tranh. Trong khi ở nhiều nước khác, xét ở góc độ kinh doanh thì lĩnh vực này là một kênh đầu tư sôi động và có thể mang lại lợi nhuận không thua gì bất động sản. Nghịch lý không vui này cứ mãi tồn tại nên các gallery phải tự thân vận động để sống còn” - một ông chủ phòng tranh tại quận 1, TPHCM lý giải.

Ông bà Hải Sơn – Thu Hà, chủ Gallery Tự Do cho rằng, ở các nước phát triển, thị trường tranh và tác phẩm nghệ thuật chỉ thật sự bền vững khi có được 70% khách hàng nội địa, trong khi ở ta lượng khách trong nước mua tranh tại gallery Tự Do chỉ chiếm khoảng 20% - 30%. “Chưa có một thị trường tranh nội địa đúng nghĩa tại Việt Nam mà phần lớn đều dựa vào tiềm lực và sự thẩm định của các nhà sưu tập và kinh doanh nước ngoài. Các nhà sưu tập trong nước thì quá nhỏ lẻ nên chưa thể làm chỗ dựa cho những người sáng tác” - một họa sĩ nhiều năm gắn bó với mỹ thuật TPHCM nhận định.

Bơi tự do!

Ngoài vai trò làm cầu nối khá quan trọng của các gallery, việc tổ chức để các họa sĩ trong nước tham dự trại sáng tác, triển lãm giao lưu với bạn bè quốc tế là yêu cầu chính đáng. Thời gian qua, giới mỹ thuật trong nước cũng tham gia nhiều cuộc triển lãm giao lưu, giới thiệu tranh với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, theo họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, so với nhu cầu thực tế số này chẳng đáng là bao. Mặt khác, phần lớn đều theo kiểu tự phát, nói đúng ra là bơi tự do, phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân của họa sĩ hoặc gallery chứ chưa được tổ chức bài bản, chưa được tổ chức quảng bá một cách dài hơi, cũng chưa có kế hoạch cụ thể và khoa học để ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước và từng bước thâm nhập, chinh phục những thị trường trong khu vực”.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường tranh xứ ta giậm chân tại chỗ. Vấn đề nhức nhối trước tiên là nạn tranh nhái, tranh sao chép, tranh giả tràn lan. Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là chúng ta thiếu những người thẩm định chuyên nghiệp (curator), người phát hiện tác giả và tác phẩm.

Ở nhiều nước, chính những người này phát hiện ra nghệ sĩ tài năng và giới thiệu họ với giới phê bình mỹ thuật, công chúng từ đó dẫn đến thành công về mặt thương mại (bán được tranh)... “Nói tranh trong nước không còn sự tươi mới so với thời kỳ đầu đổi mới, mở cửa, kém trình độ so với bạn bè khu vực là chưa đúng. Tôi nói thật, mỹ thuật và tranh Việt không thua bất cứ bạn bè nào trong khu vực, chúng ta chỉ thua họ vì thiếu thông tin và thiếu điều kiện” - họa sĩ Uyên Huy khẳng định.

Ông Uyên Huy nói thêm: Thế mạnh của mỹ thuật Việt là tranh sơn mài và tranh lụa, nhiều bạn bè từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản còn ngỏ ý muốn học hỏi về tranh sơn mài Việt Nam.

Tại TPHCM, hầu như chỉ có Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM là đơn vị thường xuyên được tham gia những trại sáng tác, tổ chức triển lãm giao lưu với các nước bạn. Nhờ vậy, các họa sĩ trẻ có cơ hội giao lưu cùng bạn bè quốc tế. “Ngay cả Hội Mỹ thuật TPHCM cũng chưa lần nào được tổ chức triển lãm ở nước ngoài, bởi chủ trương thì có còn kinh phí thì không” - họa sĩ Uyên Huy cho hay.

MINH AN – MINH THY

Tin cùng chuyên mục