Thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, hàng loạt phòng tranh tại TPHCM ra đời và ăn nên làm ra đến mức chỉ một thời gian ngắn thì sự xuất hiện của các gallery tăng vọt theo cấp số nhân. Nhiều tên tuổi họa sĩ có tranh bán đắt không kịp vẽ như Nguyễn Trung, Thành Chương, Nguyễn Quang Em… Tiếp sau đó, lứa họa sĩ khác thay thế như Đào Hải Phong, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thiết Cương…
Đã có lúc, giới mỹ thuật Việt Nam tự hào có tác phẩm bán giá chục ngàn USD. Thế nhưng, đó là hào quang của một thời đã xa. Đến hết thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, cuộc triển lãm nào có tranh bán được cũng trở nên hiếm hoi.
Với hai trung tâm văn hóa Hà Nội và TPHCM, gallery mở cửa thường xuyên không dưới con số hàng chục. Thế nhưng, số lượng tranh mỗi tháng bán ra chỉ bằng phân nửa số gallery treo biển hoạt động. Và thực tế, các họa sĩ bán tranh đều thông qua những mối quan hệ riêng. Có không ít họa sĩ, còn tranh thủ những dịp đi nước ngoài để mang tranh đi… tiếp thị. Dù vậy, sự kiêu hãnh không cho phép họa sĩ nào giảm giá bán!
Hầu hết gallery đều khẳng định, tình trạng ảm đạm của thị trường tranh Việt Nam hiện nay có hai nguyên nhân: từ họa sĩ và từ người chơi tranh. Giới họa sĩ cũng có lắm người hơi ít tự trọng, nên chỉ cần thấy dạng tranh nào bán được là lập tức sản xuất hàng loạt. Tự nhái chính mình và nhái đồng nghiệp. Do đó, khách nước ngoài mất hẳn niềm tin mua tranh tại TPHCM hay Hà Nội là được mua “tác phẩm nghệ thuật duy nhất”.
Có một thực trạng đáng buồn, khi không khí mở cửa đang khiến những nhà sưu tập quốc tế chú ý đến tranh Việt thì đụng phải… cơn bão tranh giả. Còn về phía người chơi tranh, tuy tỷ phú hay triệu phú đã xuất hiện dày đặc, nhưng họ chỉ chơi tranh… trang trí. Nghĩa là họ bỏ ra một hoặc hai triệu đồng thôi, mua tranh chép hoặc tranh vẽ hoa, vẽ lá sặc sỡ và treo đại khái trong nhà.
Cũng may, dòng Việt kiều kéo về nước làm ăn kinh doanh đã góp phần tạo ra sức mua mạnh mẽ. Giới họa sĩ bỗng lắm người giàu lên trông thấy. Dù giá tranh muôn hình vạn trạng, nhưng họa sĩ đắt khách nhất trong suốt mấy năm qua vẫn là Nguyễn Thanh Bình. Sử dụng màu trắng chủ đạo một cách điêu luyện, Nguyễn Thanh Bình hình thành phong cách mỹ thuật lôi cuốn đông đảo công chúng.
Hiện tại giá tranh của Nguyễn Thanh Bình đặt mua tại xưởng đã nằm ở mức 1.500 USD mỗi bức. Vì vậy, mặc kệ cơn suy thoái kinh tế hoành hành, năm vừa qua Nguyễn Thanh Bình vẫn thu nhập khoảng nửa triệu USD nhờ nét vẽ của mình.
Từ khi lớp họa sĩ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện, làng hội họa Việt Nam ngay lập tức có được những tác phẩm chinh phục được công chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có lẽ người đầu tiên đem tranh Việt ra thị trường quốc tế là nhà sưu tập Hà Thúc Cần. Vốn là một đạo diễn điện ảnh có tiềm lực tài chính, Hà Thúc Cần nhanh chóng nhận ra sức thu hút của tranh Việt đối với giới thưởng lãm phương Tây, nên bỏ công bỏ của tìm mua lại nhiều tác phẩm lừng danh nhất nền hội họa nước nhà.
Trong vòng 10 năm, từ 1985 đến 1995, nhà sưu tập Hà Thúc Cần trở thành nhịp cầu kết nối giới chơi tranh các nước với tranh Việt. Một trong những tác phẩm tiêu biểu mà Hà Thúc Cần đã giao dịch quốc tế là bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân.
Đáng tiếc, sau khi Hà Thúc Cần qua đời, chúng ta vẫn chưa có nhân vật khác thay thế để đảm nhiệm vai trò môi giới nghệ thuật, cái nghề đúng nghĩa mà thế giới quen gọi là art dealer! Bởi lẽ, một art dealer ngoài kỹ nghệ “mua của người cần bán, bán cho người cần mua” còn phải có kiến thức hội họa nhất định để chứng minh nguồn gốc chắc chắn của một tác phẩm hoặc xu hướng mỹ thuật của một xứ sở.
Làm thế nào để những nhà sưu tập quốc tế yên tâm khi chọn mua tranh Việt? Đó là một câu hỏi nhức nhối được đặt ra cho những ai quan tâm đến đời sống mỹ thuật nước nhà đang thiếu vắng art dealer.
Hiện tại hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Sotheby’s và Christie’s đều đánh giá cao triển vọng của tranh Việt nhưng vẫn đưa ra chào hàng khá thận trọng. Năm 2005, Christie’s đã bán bức tranh lụa “Sắp Tết” vẽ năm 1937 của họa sĩ Lê Phổ với giá 110.000 USD. Năm 2006, Sotheby’s bán bức tranh lụa “Hoài cố hương” vẽ năm 1938 của họa sĩ Lê Phổ với giá 300.000 USD.
Và gần đây nhất Shotheby’s đã bán bức tranh “Thiếu nữ choàng khăn xanh” của họa sĩ Lê Phổ với giá 120.000 USD. Xếp sau Lê Phổ, nhiều họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… cũng đang được săn lùng trong các phiên giao dịch quốc tế.
So với các họa sĩ đương đại trong khu vực, giá tranh của các họa sĩ Việt Nam thấp hơn khi mang ra đấu giá tại Sotheby’s hay Christie’s. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có nhà đấu giá tranh thì hai địa chỉ danh tiếng ấy góp phần tạo ra cái “chuẩn” để định giá tranh cho các họa sĩ trong nước. Ví dụ, Sotheby’s hay Christie’s chào hàng khoảng 10.000 USD thì họa sĩ Việt có quyền treo giá tranh tại xưởng trên dưới 5.000 USD!
* Hãy nhớ rằng, với một art dealer chuyên nghiệp, dùng tiền sở hữu một bức tranh cũng giống như một vụ đầu tư, phải có tích lũy và phải có lợi nhuận! Ở nhiều quốc gia tiến bộ, ngân hàng chấp nhận cầm cố một bức tranh tương tự như cầm cố một căn nhà hay một chiếc xe. * Để kiếm tiền, vài họa sĩ không ngần ngại làm giả tranh những người quá cố. Dư luận liên tục phát hiện nhiều tác phẩm giả mạo Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Sáng đã khiến các nhà sưu tập không còn dám mua tranh trực tiếp tại thị trường Việt Nam. |
Lê Thiếu Nhơn