Tranh Việt kém thu hút khách Việt

Chiều 22-2, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, lần đầu tranh của thi sĩ Bùi Giáng được đem ra chào bán với giá 5.000 USD/bức.
Tranh Việt kém thu hút khách Việt

Chiều 22-2, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, lần đầu tranh của thi sĩ Bùi Giáng được đem ra chào bán với giá 5.000 USD/bức.

Lâu nay, thị trường mỹ thuật trong nước đang là một câu hỏi chưa có “đầu ra” cho những người sáng tạo. Theo tìm hiểu từ các nhà sưu tập và chủ phòng tranh, gần như người Việt rất ít bỏ tiền ra mua tranh Việt.

Cụ thể, năm 2013, bà Suzanne Lecht (chủ phòng tranh Art Vietnam tại Hà Nội) từng rất thẳng thắn: “Trong cả 10 năm mở Art Vietnam, tôi chỉ thấy có được 3 hay 4 người Việt Nam mua tranh ở đây. Tôi là người Mỹ nên có lẽ khách hàng Mỹ cũng nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, chúng tôi có khách hàng Thụy Sĩ, Singapore, Hong Kong và gần đây, chúng tôi muốn mở rộng kênh tiếp thị đến Ấn Độ”.

Bức tranh màu nước của Bùi Giáng được chào bán 5.000USD/bức trong triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Còn họa sĩ Trần Thị Thu Hà (chủ phòng tranh Tự Do tại TPHCM) cho biết khách hàng có đến 60%-70% là người nước ngoài, còn lại là người Việt. Tất nhiên cũng cần lưu ý Tự Do là phòng tranh tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975, họ có hơn 10 năm “lăn lộn” thì mới bắt đầu có được khách hàng nội địa, chủ yếu là doanh nhân và Việt kiều.

Đương thời, nhà sưu tập Lê Thái Sơn (7-4-1968 _ 26-7-2012) từng nhiều lần khẳng định: “Chúng ta phải công nhận rằng, từ những năm trước 1990 đến nay, các tác phẩm hội họa của nhiều thế hệ họa sĩ Việt đều được mua bởi các phòng tranh nước ngoài, các nhà sưu tập nước ngoài, hoặc thông qua các phòng tranh Việt Nam làm trung gian… thì đối tượng mua tranh nghệ thuật nước ngoài vẫn chiếm 95%-99% thị phần của thị trường tranh”.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp cũng từng tâm sự: “Việc xây dựng một thị trường tranh nội địa cũng là vấn đề nhức nhối, bởi muốn nghệ thuật phát triển thì cần phải có sự quan tâm của chính người dân bản địa, vì chính họ là tác nhân quan trọng để giữ gìn và quảng bá nghệ thuật của người Việt. Việc không có thị trường nội địa sẽ làm chậm sự công nhận của quốc tế đối với nghệ thuật Việt Nam”.

Thị trường tranh trong nước đã kém người nhà “ủng hộ”, vậy nhưng nhiều họa phẩm của các danh họa lại còn bị “mất giá” do tranh giả. Giữa thập niên 1980, khi hai bộ tứ “Trí Lân Vân Cẩn”, “Nghiêm Liên Sáng Phái”… được quốc tế tìm kiếm, thông qua con đường ngoại giao, rồi các phiên đấu giá… thì cũng gần như lập tức, tình trạng tranh giả, nhất là tranh chép, tranh nhái đã xuất hiện tràn ngập và tinh vi.

Giữa những “lộn xộn” như vậy, thì hai bức tranh màu nước của thi sĩ Bùi Giáng đang bày bán trong triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (kéo dài đến ngày 26-2) có giá đến 5.000USD/bức, liệu có người mua? Nhà sưu tập đang sở hữu hai bức tranh này xin giấu tên cho biết: “Với một bức tranh có nguồn gốc không rõ ràng, được chào bán không đúng các thủ tục quốc tế thì treo giá 1.000USD cũng là mắc, ngược lại 1 triệu USD cũng là rẻ. Hai bức tranh này của Bùi Giáng, tôi có được với những chứng minh không chỉ bằng giấy tờ mà còn bằng cả con người sống cùng thời với thi sĩ”.

Nhà sưu tập này cho biết thêm: “Sưu tập tranh của người nổi tiếng nhưng không phải họa sĩ chuyên nghiệp đang là một xu hướng, bởi họ vẽ tranh ít và ít khi “tự chép tranh” của mình. Riêng tranh Bùi Giáng, dự đoán chừng 10 năm tới sẽ có giá gấp 3-4 lần hiện tại”.

THANH KIỀU

Tin cùng chuyên mục