Nói tới tranh Việt Nam trong thị trường tranh thế giới chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận là tác phẩm của các họa sĩ ta còn “thưa thớt như lá mùa thu” và chiếm một vai trò hết sức khiêm tốn.
Qua các cuộc trưng bày và bán đấu giá tranh của các nhà sưu tập lớn như Sotheby’s, Christie’s… tại London, Paris, New York hay Hongkong, Singapore… người ta thấy rõ ràng các “cường quốc” về tranh bao giờ cũng thuộc về các nước Âu, Mỹ; ở châu Á thì có Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn độ, Indonesia, Thái Lan… và đi kèm kế bên có một đôi bức tranh của các họa sĩ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.
Quanh đi quẩn lại giới yêu tranh cũng chỉ biết về Việt Nam qua các tác giả nổi tiếng (thuộc lứa đầu tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và sống tại Pháp hoặc sống ở Việt Nam nhưng đã qua đời như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…
Con đường để tranh hiện đại của ta ra với thế giới thường là nhờ vào các gallery ở Hongkong hay Singapore chọn lọc và giới thiệu. Ví như một bà chủ Gallery Lã Vọng (người Trung Hoa) ở Hongkong đã từng đi xuyên Việt nhiều lần tìm mua tranh Việt Nam đưa về tổ chức trưng bày giới thiệu cho rộng rãi khách xem tranh. Rồi một gallery khác của một chị người Việt ở Singapore cũng đã làm điều tương tự. Riêng các chủ gallery trong nước cũng đã có đôi lần cố vươn mình tổ chức trưng bày và bán tranh ở Paris, Hongkong, Singapore, Moscow hay Praha và London… Tuy nhiên, các cuộc trưng bày này thường diễn ra ngắn ngày và số tranh trưng bày không nhiều.
Một con đường nữa giúp đưa tranh Việt Nam ra nước ngoài chính là nhờ khách du lịch tới Việt Nam. Họ chủ yếu mua tranh rẻ tiền hoặc tranh chép, tranh nhái… cốt có thứ đem về làm kỷ niệm hơn là làm sưu tập tranh quý… Mảng tranh này vì thế không thể tiêu biểu cho các tác phẩm hội họa chân chính của Việt Nam. Đã thế, vì chạy theo thị hiếu của du khách, mảng tranh này thường nghèo nàn về đề tài, trùng lắp về ý tưởng và thủ pháp biểu đạt cũng na ná nhau nên dễ gây nhàm chán cho người thưởng thức. Xem tranh loại này chúng ta có cảm giác chúng có họ hàng với tranh quảng trường hay tranh đường phố của Moscow hay London, Paris do các thợ vẽ loại xoàng chế tác…
Có những bức tranh dễ bán, họa sĩ ta bèn sản xuất hàng loạt nên giá trị tranh càng xuống thấp. Điều mà nhà sưu tập tranh quý nhất là mua được tranh độc bản thì “tranh thị trường” không hề có được vì nó chủ yếu là phải “nhái” được tác phẩm nào ăn khách nhất! Có anh bạn người Mỹ qua Việt Nam tìm mua được một bức tranh đẹp của một tác giả trẻ khá nổi tiếng. Anh mời tác giả đứng cùng mình dưới bức tranh chụp hình lưu niệm. Thế nhưng một thời gian ngắn sau anh đã vỡ mộng vì một người bạn Mỹ khác cũng khoe anh một bức hình tương tự chụp bức tranh giống hệt tranh anh đã mua. Vậy là chính vì tiền, họa sĩ trẻ kia đã sao chép tranh mình để bán và đã tự bán danh tiếng của mình quá rẻ.
Cũng có lần tại một triển lãm tranh của họa sĩ trẻ người Hà Nội, thấy có tới 4-5 bức vẽ như ảnh chụp cùng một cô người mẫu khá xinh, chúng tôi ngỏ lời thắc mắc về cách vẽ tranh thì họa sĩ nọ tỉnh bơ trả lời: “Em nhờ một cô người mẫu ngồi trong các góc cạnh khác nhau rồi chụp hình theo bố cục dự kiến. Sau đó chỉ việc “truyền thần” các bức ảnh lên vải bố là xong… Vì thế tranh của em đẹp như hình chụp vậy (!?)”.
Nhiều người đã nhận định rằng chính một số tác giả hoặc các chủ phòng tranh Việt Nam đã tự hại mình bằng cách sao chép tranh hoặc làm tranh giả. Các tác giả càng nổi tiếng càng bị “nhái” tranh càng nhiều: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu… Thậm chí có lần tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, một nhà sưu tầm “dỏm” người Thái Lan đã dám thuê mặt bằng tổ chức một cuộc trưng bày các phác thảo tranh quý của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam mà hầu như tất cả đều là tranh nhái, tranh giả.
Muốn xóa được tệ trạng tranh sao chép, tranh giả… hội mỹ thuật các địa phương và Hội Mỹ thuật Việt Nam cần phải có các biện pháp mạnh nhằm quản lý các gallery và tổ chức tốt các cuộc trưng bày triển lãm tranh cho các tác giả. Không chỉ trưng bày trong nước, ngành mỹ thuật Việt Nam cần phải tranh thủ sự hợp tác của các tòa đại sứ, các tổng lãnh sự quán của ta ở nước ngoài để quảng bá tranh Việt Nam. Những cuộc trưng bày đó nên được coi là những cơ hội tốt nhằm quảng bá nền văn hóa Việt ra nước ngoài, tạo điều kiện cho dân tộc Việt lên tiếng nói hòa nhập với bè bạn năm châu một cách sống động.
Làm được điều đó chúng ta tin sẽ có một ngày nền hội họa Việt Nam sẽ có thể sánh vai được với các nền hội họa của các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Philippines… thậm chí cả nền mỹ thuật của nước Trung Hoa to lớn kế bên.
Đinh Kỳ Thanh