Tranh Việt ra nước ngoài: Vui buồn ngổn ngang

Phát triển manh mún, thiếu liên kết
Tranh Việt ra nước ngoài: Vui buồn ngổn ngang

Làm thế nào để các tác phẩm mỹ thuật, nhất là tranh Việt ra với thế giới là vấn đề lâu nay được nhiều sự quan tâm không chỉ của những người trong nghề và những người yêu nghệ thuật. Nhiều người trong giới mỹ thuật nhận định, so với các quốc gia trong khu vực, nghệ sĩ Việt Nam không thua kém về sự sáng tạo. Tuy nhiên, so với bè bạn, thị trường tranh Việt lại khá trầm lắng. Tranh Việt ra nước ngoài với những bậc nghệ sĩ đàn anh, nhiều năm kinh nghiệm đã là không đơn giản, với những nghệ sĩ trẻ, việc này còn khó gấp bội phần.

Khai mạc triển lãm tranh tại Phòng tranh Tự Do

Phát triển manh mún, thiếu liên kết

Lâu nay ở trong nước, các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua bán tác phẩm mỹ thuật phần nhiều diễn ra thông qua các triển lãm, trưng bày của các gallery tổ chức. Tuy nhiên, một thực tế, theo đánh giá của các nhà quản lý mỹ thuật và sự khẳng định của các họa sĩ, các nhà nghiên cứu, giới phê bình thì Việt Nam chưa thực sự hình thành một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Chính vì chưa có một thị trường thực sự, nên tranh Việt dù được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao vẫn có vẻ “lép vế” so với thị trường mỹ thuật tại nhiều nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân của câu chuyện trên chính là các họa sĩ trong nước còn thiếu liên kết với các phòng tranh. Điều này hầu như trái ngược với các nước, bởi các phòng tranh luôn là nơi được tổ chức bài bản và khoa học, có đội ngũ giám tuyển chuyên nghiệp và có nguồn khách hàng đông đảo, đa dạng. Chính các phòng tranh là cầu nối đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những nghệ sĩ trẻ đến với công chúng, khách hàng trong và ngoài nước.

Điểm yếu thứ hai có thể nói đến là thiếu sự quảng bá, sự kết nối giữa nghệ sĩ và các phương tiện truyền thông cũng như vai trò khá mờ nhạt, thụ động của hội ngành nghề. Điều này phần nào đã khiến các nghệ sĩ trẻ, nhất là các họa sĩ trẻ TPHCM thiếu lửa sáng tạo. Thật ra, nhiều nhà sưu tập mỹ thuật thế giới đánh giá cao tính nghệ thuật của họa sĩ Việt Nam, tuy nhiên, các tác phẩm được giới sưu tập tìm kiếm hầu hết là của những nghệ sĩ bậc thầy - họa sĩ các thế hệ của Trường Mỹ thuật Đông Dương, còn tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại, các nghệ sĩ trẻ hầu như rất hiếm. Minh chứng rõ nét, giữa năm 2013, tại nhà đấu giá Christie's Hong Kong, bức tranh lụa Người bán gạo (sáng tác năm 1932) của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá 390.000USD, gây tiếng vang lớn cho mỹ thuật Việt Nam. Cuối năm 2014, mỹ thuật Việt một lần nữa rúng động khi tác phẩm sơn dầu Nhìn từ đỉnh đồi của họa sĩ Lê Phổ (bức tranh được họa sĩ sáng tác năm 1937) lập kỷ lục với giá bán lên đến 880.000USD.

“Phần nhiều các nghệ sĩ tham gia triển lãm, giao lưu ở nước ngoài - một bước đệm quan trọng để tìm hiểu và giao lưu, là do tự thân vận động nhờ các mối quan hệ cá nhân, trong khi các hội ngành nghề phần không đủ điều kiện tài chính để tổ chức, một phần là thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mực từ chính sách của nhà nước”, Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM nhìn nhận. 

Tác phẩm sơn dầu Nhìn từ đỉnh đồi của họa sĩ Lê Phổ (sáng tác năm 1937) lập kỷ lục với giá bán lên đến 880.000 USD

Để tranh Việt ra nước ngoài

Có điều kiện tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật ở các nước, nữ họa sĩ Lim Khim Katy, một trong những gương mặt trẻ của mỹ thuật Việt Nam đương đại nhận định, giá trị nghệ thuật của tranh Việt rất cao, chỉ có điều chúng ta chưa nhận ra được điều đó. Vì sao? “So với các nước bạn trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Việt Nam cũng được xếp trong nhóm đang phát triển. Điều này phần nào thể hiện trong nghệ thuật: các họa sĩ vẫn giữ được cảm xúc nghệ thuật truyền thống Á Đông với những những nét đặc trưng văn hóa, đặc trưng lịch sử rất riêng - điều mà nhiều nhà sưu tập thế giới rất thích”, Katy cho hay. Đồng tình với quan điểm này, bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nhìn nhận, các nhà sưu tập thế giới ưa chuộng những nét đặc trưng văn hóa - lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Tiếc là một số nghệ sĩ trẻ vì quá mải mê tìm tòi những cái mới mà vô tình quên đi điều này.

Hơn 10 năm qua, Katy xuất hiện với các triển lãm cá nhân và các series tranh gây ấn tượng đặc biệt. Chị cũng là một trong những họa sĩ Việt Nam được chào đón nhất hiện nay. Với chuyên ngành sơn dầu, sau nhiều năm miệt mài sáng tạo và nỗ lực không ngừng, cơ duyên đã đến với Katy khi một nhà sưu tập người Thái Lan phát hiện và tổ chức riêng cho chị một triển lãm nghệ thuật tại Bangkok. Từ đó, với phòng tranh các nước như Anh, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Macao (Trung Quốc), Indonesia, tranh của Katy luôn là tác phẩm được mong đợi. Tại TPHCM, triển lãm cá nhân đầu tiên với chủ đề “Ăn và ngủ” (năm 2011) của Katy đã khiến những người yêu nghệ thuật giật mình, bởi phong cách vừa quy củ cổ điển vừa đại chúng khiến những tác phẩm của chị nhẹ nhàng lôi cuốn, chinh phục và lay động người xem. Nhìn từ thị trường tranh, chị là họa sĩ Việt Nam được chào đón bậc nhất hiện nay. Với một số phòng tranh quốc tế, tên của chị được xếp vào nhóm số ít những tên tuổi đáng mong đợi. Nói về những thành quả của mình, Katy cho biết, các nhà sưu tập, các phòng tranh nước ngoài theo dõi tác giả của họ rất kỹ, rất sát sao. “Họ còn biết tôi lập gia đình lúc nào, sinh con năm nào và chuyển nhà đi những đâu… Tôi thật sự xúc động khi biết điều này. Điều tôi muốn nói ở đây là họ làm nghề rất chuyên nghiệp”, Katy tâm sự.

Khách xem triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

“Sàn giao dịch” mỹ thuật

Đầu tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, trang web nghệ thuật mang tên vietartspace.com đã ra mắt, khẳng định sẽ là nhà đấu giá hội họa đầu tiên của Việt Nam, hứa hẹn khởi đầu cho một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp của nước ta đã trở thành tín hiệu vui làm nức lòng giới họa sĩ, những người yêu hội họa trong và ngoài nước.

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Truyền thông dự án Viet Art Space, cho biết: “Dự án Viet Art space có tham vọng thiết lập một hoạt động giao dịch liên quan đến tác phẩm nghệ thuật theo những mô hình chuẩn của các nước phát triển, chúng tôi cố gắng kết nối với những tổ chức thương mại nghệ thuật có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hoạt động này sẽ đưa nghệ thuật phát triển theo xu hướng của thế giới, tạo môi trường tốt cho mối quan hệ sáng tạo và thị trường nghệ thuật”. Vậy là lần đầu tiên, Việt Nam có một “sàn giao dịch” các tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa để tất cả các họa sĩ thỏa đam mê sáng tạo và chinh phục. Ông Vũ Tuấn Anh cho biết hiện nay, đã có hơn 40 họa sĩ chính thức hợp tác với Viet Art space. Trong 3 ngày, từ 27 đến 29-10 tại TPHCM, Urban art sẽ giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật đương đại của 3 họa sĩ nổi tiếng là Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh và Bùi Hải Sơn đến người yêu mỹ thuật, giới sưu tập trong và ngoài nước.

Một thị trường tranh chuyên nghiệp thực thụ tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ Việt và tác phẩm mỹ thuật Việt sẽ có nhiều hơn những cơ hội vươn ra thế giới là luôn niềm mong mỏi. Mong rằng thực tế sẽ không còn xa!

“Một thị trường tranh thực sự, lý tưởng ở các nước thường có đến 70% lượng khách hàng trong nước, còn lại là khách nước ngoài. Trong khi ở Việt Nam, khách hàng trong nước mua tác phẩm mỹ thuật còn quá ít ỏi, một thị trường tranh thực sự mới chỉ là niềm mong mỏi”, ông bà Đặng Hải Sơn - Trần Thị Thu Hà, chủ phòng tranh Tự Do.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục