Tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cho biết đây là giải thưởng đặc biệt bởi thời gian xét tác phẩm khá dài, từ năm 1974 đến nay. Đó không đơn thuần là một cuộc thi là một sự tổng kết nhằm tôn vinh cống hiến thầm lặng của các tác giả dành cho đề tài đặc biệt này.
“Các nhà văn của chúng ta ý thức rất sớm ý nghĩa thiêng liêng trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền của đất nước. Các nhà văn lặng lẽ viết, lặng lẽ đi, lặng lẽ sáng tạo... Sự bám sát đời sống, trách nhiệm của nhà văn đi trước quyết định của ban chấp hành. Đấy là điều hết sức đặc biệt”, Chủ tịch Hội Nhà văn nhấn mạnh.
Việc trao giải có ý nghĩa hơn bởi phần lớn các tác phẩm đã có thời gian kiểm chứng, đánh giá, xác định và chính thời gian là ban giám khảo cao nhất giám định các tác phẩm cho nên ý nghĩa của giải thưởng mang tính tổng kết.
Các tác giả được giải thưởng tôn vinh và nhà thơ Hữu Thỉnh nhận hoa chúc mừng với "Trường ca Biển" - tác phẩm đem lại Giải thưởng Hồ Chí Minh
Hội Nhà văn đã trao 4 giải nhất trong lĩnh vực văn xuôi và thơ cho tác phẩm “Đảo chìm” - Trần Đăng Khoa; “Mình và họ” - Nguyễn Bình Phương; “Ba phần tư trái đất” - Thi Hoàng và “Từ biển mà đi”, “Thơ viết về biển”; “Mộ gió” của tác giả Trịnh Công Lộc.
Ban tổ chức trao 10 giải nhì; 18 giải ba và 6 giải tập thể cho các đơn vị là các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã có đóng góp trong việc lan tỏa những tác phẩm văn học có ý nghĩa trên. Đặc biệt, Hội Nhà văn cũng xét tặng 12 giải tôn vinh dành cho các tác phẩm xuất sắc về chủ đề trên nhưng đã được trao giải tại một số cuộc thi khác trước đó.
Theo ban tổ chức, đây là lần đầu tiên giải thưởng viết về biên giới và biển đảo được tổ chức và sẽ còn tiếp tục xét tặng những lần tiếp theo .