Trào lưu và giá trị dân tộc

“Mấy hôm rày, có trào lưu gì mới không?”. Câu hỏi kiểu đó giờ không còn lạ, bởi những cái gọi là “trào lưu” xuất hiện không còn tính theo tuần, theo tháng mà là theo ngày, theo giờ…

Tí, con thím Bảy năm nay 16 tuổi. Ngoài giờ học trên lớp, học ngoại khóa ra, Tí cứ rảnh là kè kè cái điện thoại thông minh giá rẻ. Và trăm sự cũng từ đó mà ra. Thím Bảy than rằng: Chẳng biết nó lôi ở đâu ra đủ thứ trò ăn theo, thay đổi xoành xoạch, cha mẹ cũng quay mòng mòng theo. Hôm trước thấy nó uốn éo trước gương, lấy tay sờ rốn rồi chụp hình. Hôm sau, lại thấy nó chơi trò “thử thách xương đòn”, lấy lon nước ngọt để trên xương đòn rồi cũng chụp hình tới lui. Tí còn kể với thím Bảy là Tí chỉ dùng lon nước ngọt, chứ bạn bè còn “đẳng cấp” hơn khi dùng hẳn bình đựng nước để lên xương đòn, để chứng tỏ cơ thể và khung xương hoàn hảo của mình. Thấy thím Bảy thắc mắc, Tí còn phản biện: “Mẹ muốn biết giờ tụi con thích theo trào lưu gì, cứ lên mạng là biết, trên mạng có tất!”.

Đúng là “trên mạng có tất”. Với hàng loạt ứng dụng đoán thì tương lai hay quá khứ, theo kiểu vô thưởng vô phạt, mua vui; hàng loạt ứng dụng trên mạng phút chốc trở thành những trào lưu trong cộng đồng.

Mở đầu là trò đoán tuổi, khi người ta tự chụp hình đưa lên, ứng dụng sẽ tự đoán tuổi và giới tính, thu hút rất đông người quan tâm. Hiện những trò “đoán” trên mạng còn được nâng lên một bước, với những ứng dụng trời ơi đất hỡi, kiểu: Bạn sẽ nói gì khi sắp từ giã cõi đời? Cơ thể bạn cân đối đến mức nào? Có bao nhiêu hồn ma đang bám theo bạn? Bạn “độc ác” đến mức độ nào?...

Đó là trên mạng, còn trên đường, dễ bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái trẻ với những kiểu tóc kỳ lạ, đủ sắc màu, theo trào lưu Kpop. Các bạn nữ tung tăng lướt xe trên phố với những chiếc váy ngắn lộ cả nội y, áo bằng dây thừng hay mỏng dính. Một thời, những chiếc áo thun được in những dòng chữ như “Chia tay anh không đòi quà”… Nay trào lưu thay đổi theo thời gian, những chiếc áo có chữ “Đắng lòng” hay “Mình yêu nhau đi” xuất hiện nhiều hơn.

Đất nước hội nhập, việc du nhập văn hóa nước ngoài ngày càng nhanh và nhiều. Sự hội nhập đó tác động mạnh nhất đối với giới trẻ. Bởi người trẻ là những người rất năng động, nhạy bén trong cảm thụ cái hay, cái đẹp, nhưng cũng là người dễ đi quá trớn, chạy đua với các trào lưu không có đích đến mà dần quên lãng đi những giá trị thuộc về văn hóa Việt. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện về trào lưu Kiss Cam - hôn trộm người lạ, vốn bị lên án dữ dội thời gian qua. Từ một câu chuyện xuất phát từ nước ngoài, Kiss Cam ghi lại cảm xúc thật của các cặp đôi không quen biết, lần đầu gặp và trao nhau nụ hôn. Về đến Việt Nam, Kiss Cam trở thành trào lưu… cưỡng hôn, mà cộng đồng đánh giá là thiếu văn hóa, mất vệ sinh…

Bên cạnh sự giao thoa trong việc du nhập những xu hướng và trào lưu mới, việc tiếp nhận một cách ồ ạt và thiếu chọn lọc văn hóa nước ngoài sẽ gây ra những hậu quả và hệ lụy khó lường với giới trẻ. Những bạn trẻ học theo thần tượng mọi thứ từ cách ăn mặc, đi đứng, cho đến suy nghĩ, hành động khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Thêm vào đó là thực trạng nhiều người trẻ quá dựa dẫm vào thế giới “ảo” như Facebook, blog, đã đẩy chính người trẻ đến với những trào lưu vô bổ mà trên mạng đầy rẫy. Nói cho cùng, sự tiện ích của Internet, sức lan tỏa của mạng xã hội hay bất cứ nguyên nhân bên ngoài nào, không phải là thủ phạm trực tiếp dẫn đến xu hướng học đòi theo trào lưu của người trẻ mà chính yếu tố nội tại mới là nguyên nhân chính. Chỉ khi nào giới trẻ có đủ bản lĩnh và nhận thức đúng đắn trong việc hòa nhập nhưng không hòa tan hay biết gạn đục khơi trong thì việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa mang bản sắc Việt mới đạt hiệu quả.

Chuyện của Tí, hay của rất nhiều những người trẻ đang mải miết chạy theo những xu hướng đang thịnh hành, những trào lưu “chợt đến rồi chợt đi”, không hiếm. Và người ta lại đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta chưa có ý thức trong việc chuyển đổi những giá trị cha ông tạo thành những giá trị của đời sống hiện đại để hấp dẫn giới trẻ?

Khi vấn đề giáo dục những giá trị truyền thống của dân tộc chưa thấm sâu vào trong tâm thức của mỗi người để họ tự hào thì họ chưa thể vững vàng trên những giá trị dân tộc, để tiếp nhận những cái khác, mới hơn, hiện đại hơn.

NGỌC LÊ

Tin cùng chuyên mục