Trên vùng quê cách mạng

Ông Hai Mao (Phan Văn Mao), năm nay 84 tuổi, 57 tuổi Đảng, dù không tham gia trực tiếp trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở vùng quê cách mạng 18 thôn Vườn Trầu - xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn), nhưng như ông nói: “Ba tui - ông Tư Chệt thì có. Ổng và nhiều người dân vùng này làm đủ chuyện cho cách mạng”.

Câu chuyện của ông Hai Mao đưa chúng tôi trở về khí thế hào hùng, sục sôi cách mạng của quần chúng nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giữa Sài Gòn và trên quê hương Hóc Môn - 18 thôn Vườn Trầu…

Một lòng theo Đảng, theo cách mạng

Cách nay 70 năm, như ông Hai Mao nói, vùng này thưa thớt dân, hai bên quốc lộ 1 (quốc lộ 22) là những cánh rừng. Nhờ địa hình thuận lợi này mà từ năm 1930, Đảng ta đã chọn các làng Bà Điểm, Tân Xuân, Xuân Thới Đông làm căn cứ cách mạng và nơi hội họp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ. Ông Hai Mao nhớ lại: “Từ nhỏ tui đã biết cả cái làng này nhà nào cũng theo Đảng, theo cách mạng đánh Tây. Nhiều phong trào đấu tranh như các cuộc biểu tình chống khủng bố, chống đàn áp và đánh đập dân vô tội xảy ra năm 1930, 1936, 1937, rồi sau này là khởi nghĩa Nam kỳ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945… đều xuất phát từ đây. Biết Bà Điểm, Xuân Thới Đông thường làm nơi hội họp của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Uyên, Võ Văn Tần… nên người dân đều kiên trung, một lòng bảo vệ, dù có bị địch bắt, tra tấn, tù đày cũng không hé miệng”.

Là nơi khởi nguồn các cuộc đấu tranh cách mạng của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn trước những năm 1945, nên trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, người dân làng Xuân Thới Đông đã biết từ rất sớm. Khi hay tin cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày 19-8, giành được chính quyền ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, người dân Bà Điểm, Xuân Thới Đông vô cùng phấn khởi; mọi người, mọi nhà đã rục rịch chuẩn bị tầm vông, gậy gộc, dáo mác… khi có lệnh là tập hợp lực lượng tham gia. “Không khí ngày đó sục sôi lắm, từ trước 25-8 nhiều ngày, đi đâu trong làng tui cũng thấy mọi người hội họp, bàn bạc sôi nổi. Nhiều người cỡ tuổi hơn tui một chút được giao làm giao liên, gác cầu, gác đình. Ngày 24-8-1945, Quận bộ Việt Minh Hóc Môn tổ chức mít tinh tại đình làng Tân Thới Tam, người dân Xuân Thới Đông tham gia rất đông. Buổi mít tinh trở thành cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng kéo sang đến ngày 25-8, rồi cùng các địa phương khác nổi lên cướp chính quyền ở Hóc Môn, Sài Gòn…”, ông Hai Mao kể.

Xây dựng quê hương mới giàu đẹp

Được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Tân Xuân, gần 10 năm qua Xuân Thới Đông đã có những bước đổi thay vượt bậc, nhất là từ khi xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Văn Hai, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Thới Đông, cho biết, từ đầu năm 2015, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới với nhiều tiêu chí vượt xa yêu cầu. Từ một xã nông thôn ngoại thành với kết cấu hạ tầng giao thông khi thành lập thấp kém, đường sá đi lại khó khăn, đến nay 100% tuyến đường liên xã, trực ấp, liên ấp, tổ, liên tổ và toàn bộ các con hẻm trong xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế. Đặc biệt, những năm qua nhờ đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất mới theo hướng bền vững, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới từ trên 5% - 7% cách nay mấy năm còn khoảng 1%. Hơn 5.000 hộ dân trong xã hiện đã có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 46,097 triệu đồng/người/năm (gấp gần 2 lần bình quân trên địa bàn huyện). Số hộ nghèo thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm còn lại hiện nay là 23 hộ và theo cách nói của ông Phạm Văn Hai: “Không lo gì, chỉ từ giờ đến sang năm là đưa ra khỏi diện hộ nghèo. Cái phấn đấu lớn nhất của lãnh đạo xã thời gian tới đang quyết tâm làm là làm sao giữ vững và nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt, cũng như mỗi năm phải có thêm thật nhiều hộ khá giả, để trong thời gian không xa nữa, vùng đất giàu truyền thống cách mạng xưa kia trở thành xã nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, phát triển…”.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục