Phía sau nhiều công trình gửi về chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục là những trăn trở, tâm huyết và hơn hết là nỗ lực vượt khó của những người trẻ với khát khao cống hiến cho giáo dục.
Tính đến đầu tháng 9/2016, cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục đã nhận được hơn 45 bài dự thi của từ khắp các tỉnh, thành cả nước như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, TPHCM, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau…
Trăn trở với “bài toán” nâng cao chất lượng giáo dục, các trí thức trẻ đã tự vượt lên nhiều khó khăn và dồn hết tâm huyết, trí tuệ để chung tay góp sức cho giáo dục. Nhiều người trong số họ chia sẻ rằng họ không mong sẽ nổi tiếng từ những công trình của mình, chỉ mong những công trình đó sớm được ứng dụng và phát huy hiệu quả trong công tác dạy và học.
Bộ ba học sinh lớp 9 tự sáng tạo và tìm nhiều cách để duy trì website trau dồi kiến thức cho học sinh.
Sáng tạo đồ dùng học tập từ… phế liệu
Hai vợ chồng thầy giáo Thái Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Xuân Hiền, ngụ tại Quảng Trị gửi đến chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục công trình “Nghiên cứu sử dụng thí nghiệm tự tạo trong dạy học sóng ánh sáng”.
“Hai vợ chồng đều lớn lên trong nghèo khó, học trường huyện nên hiểu được những thiệt thòi của học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn trong điều kiện học tập. Có khi cả năm không được nhìn thấy bộ thí nghiệm vật lý, hóa học là gì. Chỉ lên lớp thầy cô đọc sao chép vậy” - cô Xuân Hiền chia sẻ.
Thấu hiểu những thiệt thòi của học sinh khi học “chay” nên dù không có kinh phí hỗ trợ, thầy Ánh - cô Hiền đã dồn hết thời gian và tâm huyết để chế tạo những dụng cụ thí nghiệm môn Vật lý từ các vật dụng phế liệu.
Thầy Ánh cho biết rằng hai vợ chồng tham gia chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục không phải vì muốn bản thân được nổi tiếng, mà chỉ đơn giản là muốn sáng kiến của mình được nhiều người biết. Càng nhiều người biết thì sẽ càng có nhiều người áp dụng, lúc đó, người “được” chính là học sinh.
Tự thân vận động “nuôi” sân chơi rèn luyện trí tuệ
Dù mới là học sinh lớp 9, Nguyễn Công Minh, Trần Nhân Kiệt và Trần Nguyễn Nhất Tín đã có kinh nghiệm 2 năm làm chủ website mang tên Chinh phục Program - website được xây dựng dưới hình thức một cuộc thi về kiến thức qua mạng dành cho học sinh THCS và THPT.
Không có kinh phí hỗ trợ, thầy Ánh - cô Hiền tìm tòi sáng tạo dụng cụ thí nghiệm từ phế liệu - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Điều đáng chú ý là bộ ba này đã tự xoay xở để “nuôi sống” website của mình trong suốt 2 năm qua. “Em không nhờ gia đình hỗ trợ mà tích cực tham gia các cuộc thi dành cho học sinh như Hội thi tin học trẻ tỉnh Lâm Đồng, cuộc thi Chinh phục vũ môn… với mục tiêu mỗi năm có khoảng 1 triệu đồng tiền thưởng từ các cuộc thi này để duy trì hoạt động của website” - Trần Công Minh chia sẻ.
Chia sẻ về lý do tham gia chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, “bộ ba” cho biết: “Nếu nghĩ chúng em còn quá nhỏ để làm điều gì đó cho giáo dục Việt Nam thì đó là suy nghĩ sai lầm. Chúng em sẽ minh chứng điều này bằng cách quản trị thật tốt Chinh phục Program để website tiếp tục là sân chơi hữu ích cho nhiều học sinh Việt Nam.
Vực dậy đam mê sáng tạo của học sinh vùng quê nghèo
Thầy Huỳnh Diệu Sanh, giáo viên dạy môn toán - tin ở Hậu Giang gửi đến Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục công trình “Khuyến khích học sinh cấp II sáng tạo thiết bị thông minh”. Sau nhiều năm giảng dạy môn toán - tin, thầy Sanh luôn trăn trở về thực trạng học sinh chỉ học điểm số chứ không hứng thú và đam mê các môn học này. Chính vì vậy, bằng cách đem đến lớp những thiết bị thông minh, thầy Sanh đã khơi dậy đam mê sáng tạo của các học trò vùng quê.
Thầy Sanh tìm cách vực dậy đam mê sáng tạo của các học trò - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
“Học sinh cấp II còn nhỏ tuổi, lại ở vùng quê chân lấm tay bùn, nên đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy thầy mang lên lớp bữa thì cái quạt điều khiển bằng điện thoại di động, bữa thì mô hình xe điều khiển từ xa, hay các thiết bị thường được sử dụng trong nhà có thể tự tắt, mở theo ý người sử dụng. “Tuy nhiên, cho các em biết thông tin thì không hay bằng để các em đam mê, tự xắn tay vào thực hành, sáng tạo sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đôi lúc các em nghĩ và làm rất thông minh, ngoài sức tưởng tượng của mình” - thầy Sanh cho biết.
Sau nhiều nỗ lực “truyền lửa” đến các học trò, thầy Sanh không khỏi tự hào khi hai nhóm học trò của mình đang nghiên cứu, chế tạo các mô hình ngôi nhà với các thiết bị thông minh và xe chở hàng điều khiển từ xa.
| |
MINH TUYẾT