
Ngày 23-9, tại diễn đàn “Trí thức, nhà khoa học trẻ với Đảng”, các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo viên trẻ giỏi hiện đang công tác tại trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn TPHCM đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015).
Băn khoăn với những chỉ tiêu “đẹp”
Thạc sĩ Trần Thị Nguyệt Sương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM, đặt vấn đề: “TP đề ra mục tiêu đến năm 2015 thu gom xử lý 100% chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải rắn y tế, nước thải công nghiệp và y tế. Theo tôi, đây là một chỉ tiêu đẹp và táo bạo nhưng khó thực hiện. Với tình hình thực tế tại TP như hiện nay, nếu thu gom được 70%-80% chất thải rắn đã là kỳ vọng lắm rồi. Hiện các bãi chôn lấp chất thải của TP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Chị Sương đề xuất: “Nếu TP quyết tâm đạt được chỉ tiêu này thì phải xây dựng đề án, kế hoạch thật chi tiết, cụ thể. Song song đó phải xây dựng chỉ tiêu giáo dục ý thức về môi trường để thay đổi nhận thức trong cộng đồng một cách quy củ Khi ý thức cộng đồng thay đổi mới mong thay đổi được thực trạng”.

Các trí thức trẻ góp ý tại diễn đàn.
Giảng viên Nguyễn Minh Phương đến từ Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn băn khoăn: “TP đã đặt mục tiêu phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược cao su và chế biến lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên hiện tại, định hướng chọn nghề của thanh niên lại không “khớp” với mục tiêu này. Nếu như 5-10 năm trước, ngành công nghệ thông tin là một ngành hấp dẫn với học sinh thì bây giờ các ngành như tài chính, ngân hàng, du lịch mới thu hút thí sinh. Mùa tuyển sinh nào các ngành cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hầu như luôn thiếu đầu vào. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ những ngành mũi nhọn, tôi cho rằng phải chuẩn bị kỹ từ khâu hướng nghiệp cho thanh niên. Nên có kế hoạch định hướng chọn nghề cho phù hợp”.
Về mục tiêu đến năm 2010, TPHCM có từ 15%-20% sinh viên tốt nghiệp đại học đạt trình độ ngang sinh viên các nước trong khu vực ASEAN.
Anh Ngô Thư Lê, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, bày tỏ: “Mục tiêu này là cần thiết nhưng liệu TP đã khảo sát thực tế và nắm được con số thống kê hiện tỷ lệ sinh viên Việt Nam có trình độ ngang tầm khu vực là bao nhiêu chưa? Tỷ lệ thực tế so với tỷ lệ trong chỉ tiêu có chênh lệch nhau hay không và chênh lệch như thế nào? Từ đó mới có thể đề ra chỉ tiêu cụ thể và thuyết phục được”.
Một số chỉ tiêu khác như: Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch đạt 98%, hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, chăm sóc sức khỏe đạt tỷ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi.
Anh Duy Thông, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, dẫn chứng: “Hiện nay, rất nhiều sinh viên y khoa ra trường chuyển sang làm trình dược hoặc những công việc khác không liên quan đến chuyên môn. Muốn đạt được chỉ tiêu này, TP cần có chính sách đưa bác sĩ về cơ sở, công tác tại các địa bàn vùng sâu, kèm theo đó là chế độ đãi ngộ phù hợp. Hiện tại, ngay cả những giáo sư đầu ngành lương cũng chỉ tròm trèm mỗi tháng 4 triệu đồng, chuyện sinh viên ngành y ra trường bỏ nghề đi làm trình dược với thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng là chuyện khó ngăn được”.
Xây dựng một xã hội học tập
Để ý kỹ sẽ thấy những tòa nhà cao nhất, đẹp nhất, hiện đại nhất của TP đều là trung tâm mua sắm, văn phòng, cao ốc, công ty nước ngoài chứ không phải là trường học, bảo tàng, thư viện, trung tâm nghiên cứu. Tôi cho rằng, muốn TP thật sự phát triển bền vững phải xây dựng được một xã hội học tập. Tại sao không đầu tư xây dựng những công trình văn hóa, xã hội cho xứng với mục tiêu phát triển của TP? Chúng tôi vẫn mơ về một thư viện thật hiện đại ngay giữa trung tâm để mọi tầng lớp nhân dân có thể vào đọc sách, nghiên cứu. Ước mơ đó, thiết nghĩ không phải là quá khó thực hiện với một trung tâm kinh tế, văn hóa như TPHCM”, thạc sĩ Bùi Quang Hùng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, góp ý.
Một trong 6 chương trình đột phá của TP là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Về vấn đề này, giảng viên Nguyễn Văn Trường, Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), trăn trở: “Theo tôi, cần phải có chỉ tiêu cụ thể là trong bao nhiêu năm sẽ đào tạo được bao nhiêu nhân lực trẻ có trình độ. Ở khu vực trường học, cần có chiến lược đào tạo bài bản, căn cơ cho cả thầy và trò. Chẳng hạn, muốn có học sinh giỏi, muốn bồi dưỡng được học sinh năng khiếu phải đào tạo được giáo viên giỏi”.
Cô Nguyễn Thị Yến Trang, giáo viên Trường Lê Thánh Tôn, quận 7, TPHCM chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, TP phải thay đổi cách đánh giá hiệu quả học tập. Phải xây dựng được tiêu chí để đánh giá, phân biệt đâu là “dạy thật, học thật” và đâu là “dạy giả, học giả” chạy theo thành tích”.
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp TPHCM, đề xuất: TPHCM là nơi quy tụ đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo nhất cả nước. Lãnh đạo TP cần quan tâm đến tiềm lực này thông qua hình thức đặt hàng các dự án, các giải pháp cụ thể cho các trường đại học tham gia giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của TP.
MAI HƯƠNG