Cụ thể: Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đẩy nhanh khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa; Giảm bớt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo cơ chế thoáng để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; Siết chặt quản lý thị trường, phòng vệ thương mại giảm thiểu rủi ro “mượn” xuất xứ hàng Việt (đối với hàng xuất khẩu) và thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, an toàn cho hàng nội địa; Xây dựng thương hiệu hàng Việt kết hợp tăng hoạt động thông tin, tuyên truyền, góp phần tăng cường nhận diện thương hiệu hàng Việt trong cộng đồng.
Kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện gần đây cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm tới cuộc vận động, 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho hay tính đến thời điểm hiện tại, có đến hơn 98% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số ít còn lại là doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn. Do vậy, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tăng nội lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong thời gian tới.
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc giao dịch nhà cung cấp - Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), nhấn mạnh thêm về phía doanh nghiệp cần chủ động xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trước khi sản xuất. Đồng thời, phải đảm bảo duy trì chất lượng tiêu chuẩn bền vững và có tính đến thay đổi phù hợp với tiêu chí mới mà thị trường đặt ra. Tránh tình trạng chỉ xây dựng để đối phó với cơ quan chức năng, mà không áp dụng trong quá trình kinh doanh. Về vấn đề bao bì thì cần phải tính toán lại, không nên nhìn bằng quan điểm của mình, mà nhìn khách quan theo sự đồng thuận của thị trường và đáp ứng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động trong việc đầu tư phát triển thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm.