Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2006-2010 - Sáng tác song hành với cuộc sống

Triển lãm chọn lọc 286 tác phẩm, với các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1, từ 19-1 đến 12-2-2011.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2006-2010 - Sáng tác song hành với cuộc sống

Triển lãm chọn lọc 286 tác phẩm, với các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1, từ 19-1 đến 12-2-2011.

Từ con số 5.000 tác phẩm ban đầu của các nghệ sĩ mỹ thuật cả nước gửi tham dự triển lãm đến kết quả trưng bày 836 tác phẩm tiêu biểu ở Hà Nội trước đây và hiện tại 286 tác phẩm ở TPHCM, đã cho thấy một quá trình chọn lọc tác phẩm khá nghiêm túc của hội đồng nghệ thuật.

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2006-2010) được tổng kết đã mang lại nhiều điểm mới về phong cách nghệ thuật, chất lượng, chất liệu, đội ngũ sáng tác, đời sống mỹ thuật… ở khía cạnh đề tài, người xem cảm nhận phần nào những cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ luôn gắn liền với đời sống, thời đại.

Nhìn một cách tổng thể, hầu hết các tác giả ở ba miền Nam, Trung, Bắc đều để lại những dấu ấn vùng, miền qua hình ảnh phong cảnh quê hương, nét văn hóa dân tộc địa phương ở Đồng Văn, Hà Giang, Phan Rang, Ban Mê Thuột: Nguyễn Văn Chuyên - Huyền thoại bãi đá cổ, sơn mài, Nguyễn Khắc Tài - Nhịp chợ vùng cao, khắc gỗ, Trần Phi Trường - Cảm xúc Tây Nguyên, sơn mài…

Đời sống nông thôn, thành thị với những đổi thay mạnh mẽ theo sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, được mô tả hoặc mang nét hiện thực hoặc ẩn dụ, tâm trạng, sự suy tưởng của con người trong xã hội đã bộc lộ khá đa dạng qua nhiều tác phẩm của các tác giả.

Mỗi tác giả với quan niệm nghệ thuật và sử dụng chất liệu riêng nhưng có thể gặp gỡ qua cái nhìn về đời sống xã hội đương đại; chẳng hạn, Trần Quang Huy với tác phẩm Cộng sinh, sơn dầu, Nguyễn Ngọc Dân - Cao tốc, sơn dầu, Trần Văn Thảo - Ngày mới, tổng hợp, Nguyễn Khắc Hân - Nhà hộp, khắc gỗ in trên vải, Nguyễn Huy Tính - Phố, sắt hàn

Tác phẩm về Sông chết đầy tính ẩn dụ của Lê Thế Anh.

Tác phẩm về Sông chết đầy tính ẩn dụ của Lê Thế Anh.

Bày tỏ thái độ phản ứng về sự gây ô nhiễm môi trường, người nghệ sĩ có cách nói riêng, Lê Thế Anh mô tả qua tác phẩm đầy tính ẩn dụ về Sông chết, sơn dầu; Hồ Văn Hậu băn khoăn, đau đáu qua tâm trạng của người dân trước hai hình ảnh đối lập: nhà máy mọc lên và cây xanh lụi tàn, xơ xác qua gam màu xám, bạc trong tác phẩm sơn dầu S.O.S; Duy Ninh bộc lộ đầy tính biểu hiện, trừu tượng với Lời rừng, in độc bản.

Những câu chuyện về lịch sử, về thân phận người phụ nữ, về thế sự thăng trầm, đậm chất suy tư, có thể kể đến tác phẩm của Nguyễn Trường Linh - Hà Nội có cầu Long Biên, sơn mài, Nguyễn Quốc Thắng - Những lá thư thời chiến, đồng, Võ Nam - Giấc xuân thì, sơn mài, Bùi Tiến Tuấn - Đàn bà, mặt nạ và bóng tối, lụa, Nguyễn Trung Tín - Buổi chiều, sơn dầu, Phạm Tuấn Tú - Ở đời, acrylic…

Đề tài biển đảo lâu nay luôn có mặt trong tác phẩm của các tác giả mỹ thuật. Đoàn Văn Bằng với Nơi đầu sóng, composit là hình tượng những người lính canh giữ đất đảo thật kiên cường, được thể hiện qua hình khối, tạo dáng mạnh mẽ; Đặng Can với Tiếng sóng, sơn dầu, mang màu sắc trữ tình với gam màu nền xanh của biển biếc, Uyên Huy sâu lắng suy tư qua bức vẽ Hải quân làm theo lời Bác, acrylic…

Nhiều cảm hứng sáng tác về xã hội đổi mới với cái hay, cái dở của nó được phản ánh qua một số đề tài mang ý nghĩa phê phán tích cực. Mong sao một trong những nét mới của triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần này là sẽ được đông đảo công chúng thưởng ngoạn. Đó cũng là một trong những biểu hiện mới trong đời sống mỹ thuật.

- Ông Nguyễn Phú Cường (Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm): Đưa mỹ thuật đến công chúng sẽ thúc đẩy nghệ thuật sáng tác cho người nghệ sĩ. Sự tuyên truyền của báo chí về triển lãm là một trong những nhịp cầu rất quan trọng…

- Bà Lê Tú Cẩm (nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM): Đi xem triển lãm mỹ thuật là một điều thật thú vị, bởi đây là cơ hội để chúng ta thưởng thức cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết để sáng tác, bộc bạch bao nhiêu vấn đề trong tác phẩm của họ…

- Họa sĩ Nguyễn Thanh Mai: Công chúng càng quan tâm đến mỹ thuật sẽ là động lực giúp cho chất lượng nghệ thuật càng ngày càng nâng cao; bên cạnh những đánh giá nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi nghĩ cần có sự đánh giá thật phong phú của công chúng thưởng ngoạn.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục