Triển lãm Phong cảnh sông nước biến đổi

Viện Goethe tại Việt Nam trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của 17 nghệ sỹ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Campuchia, Indonesia và Philipin tại phòng tranh Cactus Contemporary số 17/12 Nguyễn Huy Tưởng (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) từ ngày 13.5. đến 26.5.2012.
Triển lãm Phong cảnh sông nước biến đổi

(SGGPO).- Viện Goethe tại Việt Nam trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của 17 nghệ sỹ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Campuchia, Indonesia và Philipin tại phòng tranh Cactus Contemporary số 17/12 Nguyễn Huy Tưởng (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) từ ngày 13.5. đến 26.5.2012.

Dự án nghệ thuật có tên "Phong cảnh sông nước biến đổi" mở ra những khía cạnh mới về vấn đề hệ sinh thái quan trọng đối với đời sống con người đang bị đe dọa nghiêm trọng do hậu quả của sự phát triển kinh tế xã hội và bây giờ là sự biến đổi khí hậu ở sông Hồng và sông Mê kông, sông Irrawaddy và Chaopraya. Các tác phẩm của các nghệ sỹ sẽ phản ánh sự thay đổi về môi trường cũng như về kinh tế, văn hóa, xã hội mà phong cảnh sông nước ở các nước này hiện đang trải qua.

17 tác phẩm gồm các thể loại truyền thông đa phương tiện, sê-ri ảnh, video và sắp đặt.

Tối ngày 14.05.2012 sẽ diễn ra buổi thảo luận với các nghệ sỹ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thế Sơn và Lương Huệ Trinh và nghệ sỹ Som Sutthirat Supaparinya đến từ Thái Lan,. Ngày 19.05.2012 sẽ là "Tuần lễ nghệ thuật xanh", cùng hợp tác với tổ chức thanh niên về môi trường "Live and Learn International" bao gồm chiếu phim về chủ đề biến đổi khí hậu, các trò chơi và các hoạt động sáng tạo khác.

Với dự án nghệ thuật này, Viện Goethe mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và sinh thái vô giá của phong cảnh sông nước tại Đông Nam Á, đại diện và kiến tạo ra mạng lưới gắn kết giữa các nghệ sỹ vượt qua ranh giới.

Trong số 17 nghệ sỹ tham gia triển lãm "Phong cảnh sông nước đang biến đổi" có 4 nghệ sỹ Việt Nam:

Nguyễn Thế Sơn với sê-ri ảnh về những vùng đặc biệt nhạy cảm của sông Hồng.

Tác phẩm sắp đặt âm thanh và text của Lương Huệ Trinh đề cập tới những hậu quả sinh thái của việc khai thác kinh tế quá mức vùng sông Mê Kông.

Phan Thảo Nguyên tập trung vào nền công nghiệp đánh bắt cá dọc sông Mê Kông: âm thanh, các bức ảnh và những đoạn phim video, một phần được tạo nên bởi chính những người công nhân, là tài liệu ghi lại những ảnh hưởng về môi trường cũng như về văn hóa – xã hội của xu hướng công nghiệp hóa sông Mê Kông.

Tác phẩm Mekong Mechanical của Phan Thảo Nguyên

Tác phẩm Mekong Mechanical của Phan Thảo Nguyên

Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ gợi nhớ lại những nạn nhân của trận lụt khủng khiếp tại Huế năm 1999 với tác phẩm sắp đặt từ 60 hộp gỗ trưng bày những vật thể được tìm thấy dọc sông Hương như giày, dép. Đây được coi là một tác phẩm sắp đặt tương tác: người xem triển lãm ở các nước khác, những nơi bị lũ lụt tấn công, có thể đưa thêm vào tác phẩm các vật thể trong ký ức của các nạn nhân của họ.

Các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sỹ Việt Nam được Trần Lương, nghệ sỹ thị giác quốc tế tuyển chọn. Anh cũng là người phụ trách thiết kế trưng bày các tác phẩm cho triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

Sau khi được tổ chức ở Hà Nội và TPHCM, triển lãm sẽ được trưng bày tại Bangkok, Phnom Penh, Jakata và Manila

Uyên Phương

Tin cùng chuyên mục